Chi trả bảo hiểm tiền gửi thế nào cho người bị mất năng lực hành vi dân sự?
Trên cổng thông tin điện tử Chính phủ, ông Vũ Anh Tuấn đã gửi câu hỏi: Trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự thì được giải quyết nhận tiền bảo hiểm như thế nào?
Trả lời vấn đề này, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho biết:
Điều 22, Bộ luật Dân sự 2015, quy định:
a) Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần…
b) Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.”
Như vậy trong trường hợp người được Bảo hiểm tiền gửi được xác nhận là mất năng lực hành vi dân sự thì tiền bảo hiểm sẽ được chi trả cho người đại diện theo pháp luật xác lập. Khi đó, người nhận tiền bảo hiểm cần mang theo giấy tờ tùy thân, sổ tiền gửi của người được bảo hiểm và các giấy tờ khác chứng minh tính đại diện luật pháp cho người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
Theo Quyết định 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm, từ ngày 5/8/2017, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG tối đa là 75.000.000đ.
Như vậy, khi một khách hàng gửi nhiều khoản tiền khác nhau tại cùng một tổ chức tham gia BHTG thì các khoản tiền gửi này không được bảo hiểm độc lập. Hạn mức trả tiền bảo hiểm tối đa là 75.000.000đ (bao gồm cả gốc và lãi) áp dụng cho tất cả các khoản tiền gửi của một người tại một tổ chức tham gia BHTG.