Đến năm 2025, 90% cửa hàng tại Việt Nam chỉ được bán hàng ‘real’?
Ngày 24/11/2021, tại hội thảo “Nâng cao năng lực nhận diện hàng thật – hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ cho lực lượng chức năng và doanh nghiệp” do JETRO và Tổng cục Quản lý thị trường đồng tổ chức, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường thông tin, từ nay đến 2025, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường nhiều biện pháp, để đạt mục tiêu 90% các cơ sở phân phối không còn tình trạng bày bán hàng nhập lậu, hàng giả một cách công khai ở cửa hàng, trung tâm mua sắm.
Ngoài ra, 90% các làng nghề, cơ sở cũng không sản xuất hàng nhái, hàng giả, các hộ kinh doanh sẽ tham gia cam kết không tiêu thụ các mặt hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Theo ông Trần Hữu Linh, hiện nay, để ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng gian, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, Việt Nam có khoảng 8 lực lượng tham gia công tác này. Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn gặp nhiều khó khăn trong phát hiện và xử lý.
Đặc biệt vào dịp cuối năm, tình trạng hàng nhập lậu bao gồm hàng giả tiếp tục diễn biến nóng, các mặt hàng buôn lậu phổ biến vẫn là rượu, thuốc lá, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm,…
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường chia sẻ, việc kinh doanh hàng giả cũng chủ yếu ở các đô thị lớn, vì đem lại lợi nhuận cao, đặc biệt hàng giả những thương hiệu lớn. Nhưng một trong những yếu tố để hàng giả có “đất sống” và phát triển, là nhờ sự tăng trưởng của thương mại điện tử, nhất là từ đầu năm ngoái đến nay, khi dịch bùng phát, kênh mua sắm chính của người dân chuyển sang sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Quản lý thị trường đã xử lý 3.500 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ, nộp ngân sách hơn 3,5 triệu USD, tiêu hủy hàng hóa vi phạm 2,5 triệu USD,… Tuy vậy, số lượng chưa phát hiện hay có biện pháp xử lý còn rất lớn.
Ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hội nhập, tham gia các cam kết thương mại tự do, việc thực thi bảo vệ sở hữu trí tuệ được yêu cầu rất cao, vì vậy, Việt Nam đang tập trung yêu cầu lực lượng chức năng tấn công các tụ điểm sản xuất hàng giả, xử lý mạnh tay các vi phạm hơn thời gian tới”.
Để tăng cường quản lý, Bộ Công thương vừa trình lên Chính phủ đạo luật mới về quản lý thương mại điện tử, quy trách nhiệm cho các chủ sàn trong tiêu thụ hàng kém chất lượng, hàng giả.
Ông Nitta Minoru – trưởng phòng phòng chống hàng giả, Ban hợp tác quốc tế, Văn phòng Sáng chế Nhật Bản cho hay, Chính phủ Nhật Bản cũng lo ngại sự phát triển của thương mại điện tử sẽ là “cánh tay nối dài” cho hàng giả, hàng nhái phát triển.
Vì vậy, tháng 5/2021, quốc gia này đã tiến hành sửa đổi Luật thương hiệu và kiểu dáng công nghiệp, chuẩn bị đối phó cho việc nhập khẩu hàng giả nhỏ lẻ qua kênh thương mại xuyên biên giới.
Đặc biệt, tại hội thảo, ông Nitta Minoru khẳng định: “Nhật Bản cùng Việt Nam sẵn sàng hợp tác nâng cao năng lực thực thi cho lực lượng chức năng”.