ĐI QUA NHỮNG THÁNG NGÀY ĐAU THƯƠNG
Đi suốt chiều dài những ngày tháng chống dịch Covid-19 là những ngày cuối năm 2020 bắt đầu từ những chùm ca được phát hiện trong sân bay cho đến những ngày thức trắng chống dịch xuyên tết năm 2021. Có lẽ tết 2020 là cái tết ghi dấu mãi mãi trong tâm trí tôi, khi phải gác lại những dự định nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình để lao mình vào cuộc chiến chống dịch COVID-19 với tâm thế xét nghiệm thần tốc truy vết thần tốc. Thời điểm tháng 2-2021 là thời điểm chỉ có HCDC và một số chỗ xét nghiệm được xét nghiệm sinh học phân tử Sars-CoV-2 nên số lượng mẫu chuyển về khoa Xét nghiệm HCDC từng ngày từng giờ nên chúng tôi phải làm liên tục liện tục, những ngày tết là những ngày thức trắng làm việc với cường độ cao để cho kết quả xét nghiệm phục vụ công tác truy vết, giúp người dân thành phố có một Tết bình yên.
Đại dịch COVID-19 do biến chủng Delta bùng phát trên địa bàn Thành phố bắt đầu từ những ngày cuối tháng 4/2021 là những ngày tháng không bao giờ quên của tôi kể từ khi tôi dấn thân vào nghành y, là những ngày tháng gian khổ, mất mát với đầy nước mắt lẫn đau thương, dường như vượt mức giới hạn của con người, tôi không nghĩ rằng có một ngày tôi lại suy nghĩ thật nhiều, nhớ và viết ra những dòng tâm sự của những ngày tháng cũ, khoảng thời gian mà tôi và các đồng nghiệp đã dũng cảm, đã kiên định với con đường mình đã chọn, và nhất định không quay lưng lại với lời thề Hippocrate. Bắt đầu những ngày của tháng 5 là những ngày tháng tôi ít gặp gia đình hơn, ít gặp mặt các con tôi hơn, đối với tôi lúc đó không có khái niệm ngày và đêm, rồi chuyện gì đến cũng đã đến Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu dùng phát dịch với mức độ nguy hiểm hơn rất nhiều, giản cách xã hội toàn thành phố, tình hình dường như vượt ngoài tầm kiểm soát, số lượng người nhiễm và tử vong tăng từng ngày từng giờ như nấm mọc sau mưa. Các khu cách ly quận huyện, các bệnh viện dã chiến, các bệnh viện điều trị lần lượt được thành lập, được chuyển đổi công năng để đáp ứng cách ly và điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Chính thời điểm này số lượng mẫu xét nghiệm chuyển về khoa Xét nghiệm chúng tôi vô cùng nhiều nào mẫu đơn, mẫu gộp mà loại mẫu nào cũng cần có kết quả sớm để giải tỏa khu cách ly, là nhập bệnh nhiễm mới vào khu cách ly, vào bệnh viện dã chiến, là những kết quả để các Bác sỹ xem tải lượng virut cao hay thấp để có hướng điều trị…nhiều khu cách ly, các bệnh viện dã chiến cần kết quả có thể nói là từng giây từng phút. Nên công việc lúc đó của tôi liên lục liên tục, phần mình là lãnh đạo khoa nên phải túc trực 24/24 để chỉ đạo, hỗ trợ công tác chuyên môn, hỗ trợ đôn đốc anh em xét nghiệm ra kết quả đúng tiến độ, chính xác và kịp thời. Chắc các bạn cũng biết dân xét nghiệm chúng tôi là nghề thầm lặng, vinh quang thì ít mà khó khăn thì nhiều, phía sau những lớp khẩu trang N95 in hằn sâu lên mặt là những bộ đồ bảo hộ nóng bức phải mặt trong nhiều giờ liền nhưng chúng tôi vẫn tươi cười, vẫn lạc quan, vẫn tận tụy, vẫn tận tâm cống hiến chung tay chống dịch vì Thành phố thân yêu, vì sức khỏe người dân thành phố.
Thời điểm tháng 7-2021 là thời điểm đỉnh của dịch Covid-19 khi càng lúc chúng ta càng khó kiểm soát hơn khi số nhiễm và số tử vong đã là hơn hai con số một ngày. Nhu cầu xét nghiệm từ các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến, các bệnh viện điều trị càng nhiều, và thành phố đã có rất nhiều bệnh viện thực hiện được xét nghiệm Covid-19, nhưng khó khăn lại xuất hiện, khi việc tổ chức lấy mẫu tại các vùng đỏ, vùng xanh trong các quận của thành phố tăng rất cao, số lượng một ngày có thể lên tới cả trăm ngàn mẫu, nhưng khi các đơn vị lấy mẫu cho người dân xong lại vô cùng lúng túng vì không biết chuyển về đơn vị nào để xét nghiệm để thực hiện chạy mẫu, khi HCDC và viện Pasteur đã quá tải, thời điểm này cũng là khó khăn và thách thử cho không chỉ ngành y tế mà của cả thành phố lúc bấy giờ. Tôi nhớ như in ngày 11.7 là ngày tôi được biệt phái từ HCDC lên UBND TP tham gia Trung tâm điều phối xét nghiệm cho cả thành phố, nhiệm vụ và trọng trách vô cùng lớn, công việc nhiều hơn, căng thẳng hơn, áp lực hơn và ngủ ít hơn. Bạn thử tưởng tượng công việc lúc ấy của tôi với những đầu công việc: Điều hành, tham gia trực tiếp xét nghiệm Covid-19 cho cả Thành phố Hồ Chí Minh, tham mưu, xây dựng kế hoạch điều phối mẫu Covid-19 cho 22 Quận Huyện, và các bệnh viện Dã chiến, bệnh viện Điều trị Covid trong Thành phố. Tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật lấy mẫu và hướng dẫn An toàn sinh học trong quá trình lấy mẫu, xử lý mẫu, vận chuyển mẫu Covid-19 cho các bệnh viện công lập và tư nhân thuộc Sở Y Tế. Rồi lại phải tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật lấy mẫu và hướng dẫn An toàn sinh học trong quá trình lấy mẫu, xử lý mẫu, vận chuyển mẫu cho sinh viên Đại học Y Dược, Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Y khoa Nguyễn Tất Thành, Thanh niên xung phong…Đến việc tập huấn sử dụng test nhanh và an toàn sinh học trong việc lấy mẫu Covid-19 cho các Doanh nghiệp, cho các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM…Vừa phải sắp xếp lên bảng phân bổ mẫu, điều phối mẫu, theo dõi việc báo cáo, hỗ trợ các đơn vị cập nhật tình hình lấy mẫu xét nghiệm cho 22 TP, Quận Huyện, cho các Bệnh viện Dã chiến, Bệnh viện điều trị Covid trong Thành phố Hồ Chí Minh.Ngoài ra tôi lại tham gia soạn thảo qui trình lấy mẫu, giao mẫu, nhận mẫu, và trả kết quả xét nghiệm Covid-19, giám sát việc nhập dữ liệu bệnh nhân lên phần mềm CDS của các đơn vị lấy mẫu, hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị xét nghiệm sử dụng phần mềm CDS trong việc báo cáo ca dương và up kết quả lên phần mềm CDS…Thời điểm đau thương nhất, suy nghĩ nhiều nhất về cái chết và sự sống khi chứng kiến thấy quá nhiều người chết từ già đến trẻ, nên bản thân tôi tự nhủ động viên bản thân phải cố gắng hơn, phải kiên cường hơn, phải chiến đấu bằng 200% sức lực để chung tay đẩy lùi dịch bệnh đang hoàng hành cả thành phố.
Thời gian trôi qua rồi niềm hi vọng, những tín hiệu vui ngày càng xuất hiện nhiều, khi con số tử vong và nhiễm mới giảm dần rồi sau cùng là chuỗi ngày vui và hân hoan trong ngày Thành phố bắt đầu bình thường mới trở lại và dịch bệnh dần dần trong vòng kiểm soát.
Giá trị cuộc sống vốn dĩ là những điều giản dị và rất nhỏ trong đời thường, hạnh phúc khi ta biết nâng niu những điều tử tế trong cuộc sống , góp nhặt những niềm vui đơn sơ trong dòng đời với tâm thế “Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời/ Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc…” (Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải). Chính những điều này giúp tôi đi qua những ngày tháng đau thương trong đại dịch Covid-19 kiên cường hơn, biết hi sinh và cống hiến nhiều hơn.
Những ngày tháng đầu tối mặt tắt chống dịch tôi vẫn không quên vận động và kết nối được rất nhiều nhà hảo tâm để xin vận động cho các chương trình “ Đại dịch đi qua tình người ở lại” giúp cho người nghèo trong đại dịch khắp các quận thành phố và các thiên thần tuyến đầu với số tiền gần 1 tỷ cho các đợt. Ngoài ra chúng tôi có thực hiện các chương trình chính của nhóm đó là những chương trình:
⦁ SAN SẺ YÊU THƯƠNG chương trình duy trì tổ chức từ năm 2007 đến nay vào tuần thứ ba cuối mỗi tháng. Địa bàn hướng đến là vùng sâu vùng xa, với hoạt động chính là khám bệnh, tư vấn dinh dưỡng và phát thuốc miễn phí cho trẻ em, trao học bổng khuyến học cho học sinh nghèo hiếu học.
⦁ SAN SẺ NỖI ĐAU chương trình hỗ trợ viện phí cho trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại các bệnh viện nhi trong thành phố với 92 số trong hơn 6 năm qua.
⦁ HÃY HƯỚNG VỀ PHÍA MẶT TRỜI chương trình được tổ chức hơn 28 số trong vòng hơn 3 dành tặng cho các em ung thư đang nằm điều trị ung thư trong các bệnh viện Nhi được tổ chức 2 tháng 1 lần với hoạt động chính là đóng viện phí cho các em bệnh nhi ung thư người dân tộc và tặng sữa, thực phẩm dinh dưỡng nhằm động viên cổ vũ tinh thần các em thêm yêu đời thêm nghị lực, thêm kiên cường vượt qua bệnh tật. Ý tưởng hình thành chương trình “Hướng về phía mặt trời” xuất phát trong lần chúng tôi đi tặng sữa cho các bệnh nhi, tình cờ gặp được 2 cha con người dân tộc K’ho ở Đắk Lắk xuống TP Hồ Chí Minh điều trị bệnh, hoàn cảnh rất đáng thương. Khi biết con mình bị ung thư, người cha vẫn xin xuất viện về, bởi tiền đâu mà chữa trị. Ông cứ ôm con khóc ròng. Chúng tôi không bao giờ quên ánh mắt của hai cha con khi ấy. Đây là động lực để tôi và nhóm LHL vận động thêm mọi người ủng hộ cho đối tượng chính là bệnh nhi ung thư, hỗ trợ đóng tạm ứng viện phí và tặng quà cho các em.
Bản thân tôi luôn tâm niệm “hành động từ trái tim”. Để có chương trình diễn ra từng tháng và kéo dài liên tục nhiều năm, các thành viên trong nhóm bàn bạc với nhau rất rõ ràng về định hướng. Chúng tôi đồng cảm, chia sẻ với các em kém may mắn, thiệt thòi nhiều trong cuộc sống. Mình làm thiện nguyện không tốt thì trước có lỗi với bản thân, sau là mất niềm tin với rất nhiều nhà hảo tâm cùng đồng hành.
Tôi được tin tưởng giao trọng trách là 1 trong những phó nhóm LHL, cũng áp lực nhiều lắm! Trước hết, mình còn nhiều công việc cá nhân, chuyện gia đình một vợ ba con nhỏ phải lo mỗi ngày. Vậy nhưng, phải cố gắng hết mình trong kết nối bạn bè và vận động nguồn ủng hộ.
Tôi vẫn tiếp tục học hỏi thêm kinh nghiệm để làm thiện nguyện tốt hơn nữa từ các anh chị rất tâm huyết đi trước. Tôi rất tâm đắc và xin chia sẻ 3 điều: Làm gì cũng bằng tâm nguyện; không tư lợi cá nhân; mọi thứ phải rõ ràng từ công việc thiện nguyện “cho” và “nhận”.
ĐÂY CHÍNH LÀ LẼ SỐNG LÀ ĐAM MÊ LÀ SỰ HÒA NGUYỆN GIỮA CÔNG VIỆC GIỮA GIA ĐÌNH VÀ THIỆN NGUYỆN ĐÃ ĐI XUYÊN SUỐT ĐẾN TẬN BÂY GIỜ.
PS: Xin gửi lời cảm ơn trân trọng nhất, lời tri ân sâu sắc nhất đến tất cả gia đình tôi, bạn bè, đồng nghiệp, thầy cô và các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đã đồng cảm, thấu hiếu và đồng hành cùng tôi trong một hành trình dài. Xin chúc Sức khỏe – Thành đạt – Hạnh phúc – Bình An
VÕ TUẤN LINH
[ Phó trưởng khoa XN – CĐHA –TDCN HCDC ]
[ Phó nhóm từ thiện xã hội Lâm Hoa Liên LHL ]
[ Lãng tử đại hiệp ]