Khách sạn Hồ Tràm, Nha Trang, Cam Ranh, Đà Nẵng kì vọng khôi phục vào cuối tháng 7/2021

Các chuyên gia đã chia sẻ về tình hình hoạt động vận hành khách sạn kể từ sau đợt dịch thứ tư bùng phát cũng như góp ý về các đề xuất hỗ trợ quá trình khôi phục hoạt động du lịch bao gồm kế hoạch tiêm chủng và cân nhắc thí điểm việc đón khách quốc tế.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, phần lớn các khách sạn tại Hồ Tràm, Nha Trang, Cam Ranh và Đà Nẵng kỳ vọng rằng một số hoạt động du lịch có thể dần khôi phục vào cuối tháng Bảy, với nguồn du khách đến từ Hà Nội cho kỳ nghỉ hè dài ngày. Trong khi đó, nguồn du khách đến từ Tp.HCM được kỳ vọng sẽ khôi phục các kế hoạch ở giai đoạn sau khi tình hình dịch bệnh tại địa phương này được kiểm soát tốt hơn.

Tại buổi thảo luận, các diễn giả cũng đồng quan điểm ngay cả khi các đường bay thương mại quốc tế được kết nối trở lại, ngành du lịch vẫn cần chú trọng thu hút nguồn cầu nội địa khi đây là động lực hỗ trợ sự khôi phục hoạt động kinh doanh Khách sạn và lữ hành.

Trước khi các đợt bùng phát dịch bệnh liên tiếp xảy ra, ngành du lịch đặt mục tiêu khai thác và phục vụ 80 triệu lượt khách du lịch nội địa trong năm 2021, tương đương với lượt khách đạt được trong năm 2019. So sánh với lượt khách nội địa phục vụ trong năm 2020, mục tiêu này tương đương với mức tăng trưởng hơn 42%.

Trong năm 2021, Việt Nam đã đàm phán được khoảng 120 triệu liều vaccine và hiện bộ Y Tế cũng đang cố gắng tiếp cận nhiều nguồn cung để đạt được mục tiêu 150 triệu liều.

Với số lượng vaccine dự kiến như trên, Việt Nam đang tích cực thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân với mục tiêu đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021- đầu năm 2022. Tại một số điểm đến du lịch như Nha Trang, Cam Ranh, Côn Đảo, Phú Quốc, các nhân viên tại khách sạn và khu nghỉ dưỡng cũng đã nhận được mũi tiêm đầu tiên trong chiến dịch này.

Ngoài ra, những đề xuất gần đây liên quan đến việc giảm thời gian cách ly đối với những du khách đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine và việc cân nhắc thí điểm chương trình mở cửa đón khách quốc tế tương tự như Phuket (Thái Lan) được đánh giá là những bước tiến tích cực trong quá trình khôi phục hoạt động du lịch quốc tế. Trong số các điểm đến du lịch, Phú Quốc đang được đề xuất là địa phương đầu tiên áp dụng thí điểm mở cửa thị trường khách quốc tế với các nới lỏng trong quy định cách ly.

Đề cập đến các giải pháp cho hoạt động Khách sạn trong thời gian tới, Mr. Hylton Lipkin – Tổng Quản Lý Alba Wellness Valley by Fusion tại Huế chia sẻ, đây là thời điểm các Khách sạn nên tận dụng thời gian để xem xét và đánh giá lại cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn nhằm phân bổ các nguồn lực hiệu quả hơn. Các biện pháp này không chỉ nhằm mục đích thích nghi và tồn tại trong điều kiện hiện nay, mà còn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khách sạn trong dài hạn.

Xuyên suốt buổi trao đổi, các diễn giả đều bày tỏ niềm tin về khả năng phục hồi của ngành bất động sản nghỉ dưỡng. Theo ông James Young – Phó Giám đốc Hoạch địch và Phát triển Nguồn lực, Tập đoàn WMC, trong bối cảnh nhiều biến động như hiện tại, đang có rất nhiều cá nhân và doanh nghiệp nhỏ lẻ hoạt động trong lĩnh vực du lịch khách sạn đang phải gồng gánh hoạt động kinh doanh vượt qua tác động tiêu cực từ thị trường. Hơn bao giờ hết chúng ta cần nâng cao hiệu quả quản trị nhân sự để tồn tại và đồng hành cùng nhau. Tôi tin rằng sự cảm thông và chia sẻ sẽ là biện pháp tốt nhất để cùng nhau vượt qua khủng hoảng đại dịch.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels cho hay, sau mỗi cuộc khủng hoảng chúng ta đều trở nên mạnh mẽ hơn. Đó là thời điểm mà mỗi cá nhân cần phải đổi mới bản thân và chấp nhận đương đầu với khó khăn trong ngắn hạn. Sự “đổi mới” trong bối cảnh hiện nay là một hành trình đầy thử thách, làm bàn đạp thúc đẩy những chuyển biến của ngành du lịch và nghỉ dưỡng.

Previous post Chỉ định thầu 12 dự án cao tốc Bắc – Nam
Next post Doanh thu tăng 60% nhưng KBC ghi nhận lỗ hơn 59 tỷ đồng trong quý 3, 9 tháng chỉ hoàn thành gần 37% kế hoạch năm