Giá vàng từng biến động ra sao trong các sự kiện xung đột quân sự quá khứ?
Vàng đang là loại tài sản được quan tâm nhất những ngày gần đây do ảnh từ cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine.
Theo dữ liệu của Tradingviews, tính từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại nước láng riềng, giá vàng quốc tế giao ngay đã tăng khoảng 0,5% lên 1.908,66 USD/ounce vào chốt ngày 28/2. Trước đó, giá vàng đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 năm tại 1.974 USD/ounce sau khi Nga thông báo tiến hành cuộc tấn công vào ngày 24/2.
Tại thị trường trong nước, giá vàng SJC cũng biến động mạnh khi có lúc vọt lên hơn 66 triệu đồng/lượng chiều bán ra vào ngày 25/2 và liên tục neo ở mức cao từ đó đến nay.
Theo nhóm phân tích Chứng khoán VnDirect, vàng vốn dĩ được coi là “tài sản trú ẩn an toàn” và dữ liệu lịch sử cho thấy mỗi khi các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng có xu hướng tăng trong ngắn hạn. Tuy vậy, đà tăng của giá vàng thường không kéo dài và sẽ quay đầu giảm trở lại khi tình hình căng thẳng hạ nhiệt.
VnDirect dẫn thống kê lịch sử cho thấy, mỗi khi sự kiện xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng thường lập đỉnh trong vòng 2-3 tuần sau đó, với mức tăng bình quân khoảng 4,3%. Sau đó, giá vàng có xu hướng quay đầu giảm khi tình hình căng thẳng hạ nhiệt.
Theo số liệu thống kê của nhóm phân tích, giá vàng tăng mạnh nhất sau sự kiện chiến tranh vùng vịnh 1990 khi lập đỉnh sau 19 ngày xảy ra cuộc chiến với tỷ suất sinh lời 11,6%. Mức tăng này sau vụ khủng bổ 11/9 và sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea là 7,9% và 5,4%.
Trong khi đó, giá vàng chỉ nhích nhẹ 0,2% sau khi Mỹ tấn công Panama vào năm 1989 và ném bom Syria vào năm 2018. Ở cả hai sự kiện này, giá vàng lập đỉnh chỉ sau vỏn vẹn 1 ngày và 4 ngày xảy ra sự kiện.