Những nỗi buồn “không tên” của môi giới bất động sản
Có thể nói, năm nay là năm “buồn” của môi giới BĐS. Các môi giới nhận lương ít ỏi hơn so với mọi năm. Nếu cùng kì năm ngoái, nhiều môi giới thu nhập hàng trăm triệu đồng (nhất là môi giới BĐS tỉnh) thì năm nay thu nhập có vẻ bấp bênh nhất. Cuối năm, khi thị trường rục rịch trở lại, môi giới BĐS trở lại đường đua, nhưng cũng chỉ được vài tháng trước Tết, với nhịp độ không quá sôi đông. Bên cạnh những môi giới thâm niên có thu nhập ổn định do có lượng khách đầu tư lâu năm mua bán, thì nhiều môi giới “ngậm ngùi” vì Tết buồn, không lương, thu nhập ít.
Bên cạnh thu nhập bấp bênh do dịch “oanh tạc”, môi giới BĐS còn buồn vì nguồn hàng để bán ngày càng cạn kiệt, điều này cũng ảnh hưởng đến việc tìm khách, chốt khách của môi giới.
Số liệu thống kê cho thấy, trong quý 3/2021, nguồn cung sơ cấp đạt khoảng 3.000 căn, mức thấp nhất trong vòng năm năm trở lại đây, giảm 18% theo quý và giảm 70% theo năm. Trong khi nguồn cung mới bị hạn chế và lượng hàng tồn kho thấp, thị trường ghi nhận có 11 dự án đã tạm ngưng bán hàng. Đến quý 4/2021 nguồn cung cũng không được cải thiện. Theo báo cáo cuối năm của Savills, ở thị trường căn hộ, sau khi trải qua một quý 3 ảm đạm, các chủ đầu tư đã tự tin trở lại trong quý 4/2021. Nguồn cung sơ cấp đạt gần 7.820 căn, lượng nguồn cung theo quý nhiều nhất trong năm 2021, tăng 160% theo quý nhưng giảm 31% theo năm. Nguồn cung mới chiếm 72% nguồn cung sơ cấp với hơn 5.600 căn từ năm dự án mới và các giai đoạn tiếp theo của chín dự án hiện hữu và trong đó, căn hộ Hạng B chiếm 75%. Kể từ cuối năm 2019, nguồn cung sơ cấp biến động. Nguồn cung mới trong quý 4 /2021 cao đáng kể so con số hơn 350 căn vào Q3, nhưng vẫn giảm 33% theo năm.