VIB đang dẫn đầu thị trường ở nhiều mảng kinh doanh trọng yếu

Sáng ngày 24/3/2021, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên.

Thông tin tại đại hội cho biết, năm 2020 là năm thứ 4 trong hành trình 10 năm chuyển đổi chiến lược của VIB giai đoạn 2017-2026. Với nền tảng sẵn có, VIB tiếp tục hoàn thiện mô hình vận hành xuất sắc, tiếp tục tiên phong trong việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế, hoàn thiện mô hình quản trị vững mạnh và triển khai kinh doanh một cách kỷ luật và sáng tạo. Ngân hàng Quốc Tế đã khép lại với nhiều kết quả tích cực trong nhiều mục tiêu chiến lược quan trọng, tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu thị trường ở những mảng kinh doanh trọng yếu, cùng với các chỉ tiêu tài chính khả quan.

Cụ thể, năm 2020, tổng tài sản của VIB tăng trưởng 32,6% so với đầu năm, đạt 245 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 42,2% so với năm 2019, đạt 5.803 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận này, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn bình quân đạt 30,0% đã giúp VIB tiếp tục giữ vững vị trí trong nhóm cao nhất toàn ngành về hiệu quả kinh doanh, trong bối cảnh nợ xấu tiếp tục giảm xuống dưới 1,5%.

Trong năm 2020 VIB cũng đã đẩy mạnh đầu tư vào việc ứng dụng công nghệ hiện đại, xử lý dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây (iCloud) để thúc đẩy kinh doanh. VIB đã đạt số lượng khách hàng đăng ký ngân hàng số qua ứng dụng MyVIB tăng trưởng gần 300% trong năm 2020, góp phần đưa tổng số lượng khách hàng của VIB vượt trên 3 triệu khách hàng. Số lượng khách hàng kích hoạt dịch vụ ngân hàng số tăng 103% và số lượng giao dịch trực tuyến tăng trưởng 110% trong năm 2020. Các yếu tố này đã giúp VIB nằm trong top các ngân hàng có tỷ trọng số lượng giao dịch trực tuyến cao nhất, ở mức 91% so với tổng số lượng giao dịch.

Tỷ trọng cho vay bán lẻ của VIB tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, tại ngày 31/12/2020 đạt 144 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 32,4% so với năm 2019 và chiếm 83,9% tổng dư nợ toàn hàng. VIB là Ngân hàng có thị phần hàng đầu về cho vay mua ô tô tại Việt Nam kể từ năm 2017, top đầu về tăng trưởng cho vay bán lẻ với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2017-2020 đạt 42,0%.

Tổng vốn huy động của VIB đạt 179 nghìn tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm 2019. Năm 2020 đánh dấu mức tăng trưởng ấn tượng của tiền gửi không kỳ hạn từ khách hàng với mức tăng 30,3%. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn của Khối Ngân hàng bán lẻ tăng đến 71,8%. Kết quả này một phần đến từ việc gia tăng nhanh chóng của khách hàng tham gia Ngân hàng số MyVIB và nhóm khách hàng trả lương qua tài khoản trong năm vừa qua.

VIB đã phát triển các dòng thẻ tín dụng với tính năng ưu việt và công nghệ hiện đại nhất phù hợp với từng nhu cầu chi tiêu của người dùng theo các phân khúc khách hàng. Trong năm 2020, VIB là ngân hàng đầu tiên và duy nhất áp dụng thành công AI và Big Data, cùng các công nghệ mới hiện đại như e-KYC, e-Signature trong quy trình phê duyệt và phát hành thẻ tín dụng, tạo nên kỷ lục mới trên thị trường về thời gian xử lý và phê duyệt cho tới khi Khách hàng dùng thẻ trên phiên bản thẻ điện tử: chỉ 15-30 phút, bằng 1/500 thời gian trung bình trên thị trường. Nhờ đó, VIB tiếp tục nằm trong top dẫn đầu về tăng trưởng số lượng thẻ tín dụng và mức chi tiêu trên thẻ năm 2020, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với trung bình ngành, theo báo cáo của Tổ chức thẻ quốc tế Mastercard.

Đối với hoạt động bảo hiểm, VIB tiếp tục nằm trong top đầu thị trường về doanh số Bancassurance với thị phần 13% toàn quốc và nhiều năm liền có năng suất bán hàng trên 1 chi nhánh ở nhóm cao nhất.

Về quản trị rủi ro, VIB là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam triển khai thành công cả 3 trụ cột Basel II theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN và Thông tư 13/2018/TT-NHNN; đồng thời là ngân hàng tiên phong trong việc áp dụng thí điểm chuẩn mực quản trị thanh khoản theo Basel III. 

Bên cạnh hoạt động hiệu quả, VIB còn tối ưu hoá lợi ích cho cổ đông. Năm 2020, cổ phiếu VIB được chính thức niêm yết trên sàn HoSE, mang lại lợi ích cho hơn 8.000 cổ đông VIB với sự gia tăng mạnh mẽ của giá trị vốn hóa thị trường, thanh khoản và hiệu suất đầu tư. Cũng trong năm 2020, VIB đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ, nâng tổng vốn điều lệ của Ngân hàng lên gần 11.094 tỷ thông qua hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 20,0%.

Những kết quả trên một lần nữa khẳng định những bước đi đúng đắn trong chiến lược phát triển mạnh mẽ và bền vững của VIB. Bước sang năm 2021, VIB tiếp tục chiến lược kinh doanh phù hợp, thích ứng với thị trường nhiều cơ hội và thách thức, đảm bảo phát triển hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả, lớn về quy mô và dẫn đầu về chất lượng.

Previous post Chứng khoán APEC (APS) tiếp tục chào bán gần 4 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 12.000 đồng/cổ phiếu
Next post Mô hình O2O – xu hướng tất yếu của giao dịch bất động sản