Đồng Nai kêu gọi đầu tư 5 dự án “khủng” với tổng vốn hơn 6 tỉ USD
Cụ thể, đường sắt Trảng Bom – Hòa Hưng, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, Đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, Hệ thống cấp nước và xử lý chất thải TP.Long Khánh.
Chính phủ đã ra thông báo mời gọi doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 dự án lớn tại Đồng Nai với tổng vốn hơn 6 tỷ USD. Các dự án trên đa số thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông, khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho phát triển kinh tế của tỉnh và các tỉnh, thành lân cận.
Có 3/5 dự án lớn Chính phủ mời gọi doanh nghiệp FDI đầu tư vào Đồng Nai thuộc lĩnh vực đường sắt, trong đó, dự án Đường sắt Trảng Bom – Hòa Hưng có vốn lớn nhất, khoảng 2,977 tỷ USD. Tuyến đường sắt có chiều dài hơn 39km, bắt đầu từ H.Trảng Bom đi qua TP.Biên Hòa của tỉnh Đồng Nai, qua tỉnh Bình Dương và đến Tp.HCM. Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Dự án này khi triển khai xây dựng sẽ thu hồi khoảng 72ha đất của huyện Trảng Bom và TP.Biên Hòa.
Dự án Đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu kết nối đường sắt quốc gia với cảng Cái Mép và các cảng biển khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu có chiều dài 84km. Tuyến đường sắt này sẽ chia làm 2 giai đoạn để thực hiện, tổng vốn đầu tư 2,47 tỷ USD. Điểm đầu của dự án tại TP.Biên Hòa và kéo dài qua H.Long Thành đến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Vốn đầu tư của giai đoạn 1 khoảng 1,47 tỷ USD và giai đoạn 2 là 1 tỷ USD.
Tiếp đến là dự án Đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – cảng hàng không quốc tế Long Thành nhằm kết nối hành khách giữa trung tâm TP.HCM với sân bay quốc tế Long Thành và ngược lại. Tuyến đường sắt nhẹ có chiều dài 37km, vốn đầu tư 174 triệu USD. Mục đích đầu tư các dự án tuyến đường sắt là để cải thiện tình trạng giao thông đô thị như: giảm thiểu tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, vận chuyển được nhiều hàng hóa khối lượng lớn từ các khu công nghiệp đến các cảng biển, cảng hàng không trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các vùng lân cận khác.
Tốc độ đô thị hóa của Đồng Nai, Tp.HCM, Bình Dương rất nhanh, công nghiệp phát triển, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, lưu thông rất lớn. Do đó, Chính phủ đầu tư các tuyến đường sắt sẽ giảm tải rất lớn cho giao thông đường bộ. Hành khách, hàng hóa sử dụng phương tiện đường sắt sẽ đảm bảo đúng thời gian theo quy định, giảm được tình trạng ùn tắc giao thông. Ngoài ra, đường sắt còn có ưu thế là vận chuyển được nhiều hàng hóa cồng kềnh, có khối lượng lớn và giá rẻ hơn nhiều so với đường bộ.
Đây cũng là lý do để giai đoạn 2021-2025, Chính phủ sẽ mời gọi doanh nghiệp FDI đầu tư 11 tuyến đường sắt trên cả nước. Trong đó, ưu tiên nhiều dự án đường sắt cho khu vực Đông Nam bộ để kết nối với các cảng, tuyến đường sắt Bắc – Nam.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, trong giai đoạn tới, Đồng Nai sẽ triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông cấp quốc gia, vùng, tỉnh. Các dự án trên hoàn thành sẽ tạo đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực. Đồng Nai tiến hành quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cho các dự án hạ tầng giao thông quan trọng để triển khai kịp thời theo đúng lộ trình.