90% doanh thu Cty sân sau của ông Nguyễn Đức Chung nhờ bán hàng cho các đơn vị của Hà Nội

Phần lớn các đơn vị của TP Hà Nội sử dụng sản phẩm Công ty Arktic

Theo kết luận điều tra, bị can Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Arktic kinh doanh đạt được lợi nhuận, khi bán các sản phẩm cho cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND TP Hà Nội.

Hầu hết các sản phẩm, mặt hàng bán hoặc dự định nhập về bán cho các đơn vị thuộc UBND TP Hà Nội, chiếm khoảng 80% đến 90% doanh thu của Công ty Arktic như, Redoxy 3C, xe quét hút hako, máy lọc nước, đèn điện, máy nghiền cây, máy nghiền bê tông, dự định đầu tư làm dự án. Đối với các phi vụ làm ăn, Giang đều báo cáo, xin ý kiến và được ông Chung đồng ý trước khi thực hiện.

Từ khi Giang tham gia quản lý, điều hành Công ty Arktic, bà Hoa (vợ ông Chung) không bàn giao vốn điều lệ cho Giang. Chính vì thế, Giang phải sử dụng tiền của cá nhân bù 5 tỷ đồng vốn điều lệ công ty.

Do muốn được tạo điều kiện kinh doanh có lợi nhuận, nên Giang đã không đề nghị gia đình ông Chung phải chuyển 2 tỷ đồng vốn điều lệ (40% cổ phần đứng tên bà Nguyễn Thị Bích Hằng). Thực tế sau này, Giang đã lấy lại được số tiền 2 tỷ đồng này từ lợi nhuận của Công ty Arktic.

Đáng chú ý, bị can Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty Artic không thông báo, trao đổi gì về kết quả hoạt động, không phân chia lợi nhuận dù bà Nguyễn Thị Bích Hằng có 40% cổ phần ở công ty này. Thực tế 40% cổ phần bà Hằng chỉ đứng tên hộ cho gia đình Chung.

Theo cơ quan điều tra, giai đoạn năm 2016 – 2019, do lợi nhuận chưa cao, chưa có chủ trương phân chia lợi nhuận. Với mục đích khi Công ty lớn mạnh, hợp tác được với các hãng nước ngoài như, Hako, Watch Water GmbH…để xây dựng các nhà máy tại Việt Nam doanh thu của Công ty Arktic có thể lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, lúc đó mới tính đến phân chia lợi nhuận.

Giai đoạn từ năm 2016 đến khi Giang bị bắt, do lợi nhuận chưa cao và chưa có chủ trương phân chia, nên ông Chung chỉ yêu cầu Giang tặng quà, tài trợ. Giữa năm 2019, khi báo chí đưa tin sai phạm về Công ty, ông Chung chỉ đạo Giang đưa tên bà Hằng ra khỏi danh sách cổ đông.

Thế nhưng, khi C03 vào cuộc, Giang trao đổi, thống nhất với bà Hằng nội dung khai báo “có hợp tác kinh doanh vơi Công ty”.

Trong thời gian hoạt động, Công ty Arktic bán cho các công ty trúng các gói thầu vệ sinh môi trường trên địa bàn TP Hà Nội (70 xe), cho các đơn vị mua để tài trợ UBND TP Hà Nội (30 xe) và các đơn vị khác (3 xe), với tổng giá trị là hơn 187 tỷ đồng, Thương vụ này, Cty Arktic thu lợi hơn 35 tỷ đồng.

Kết luận điều tra cũng cho biết, từ ngày 18/5/2016 đến 23/6/2016, Công ty Arktic đã mua, nhập khẩu 4 máy nghiền cây nhãn hiệu Jensen, CHLB Đức (3 máy A540 và một máy A141XL), với tổng giá trị hơn 2,6 tỷ đồng. Sau đó, Arktic đã bán số máy này cho Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội, với tổng giá trị hơn 3 tỷ đồng, thu lợi hơn 560 triệu đồng.

Công ty Arktic ký khống 30 hợp đồng lao động

Cũng theo Cơ quan CSĐT, Nguyễn Trường Giang đã mượn hồ sơ cá nhân lập khống 30 người lao động, với tổng số tiền lương chi trả là hơn 5,5 tỷ đồng. Mục đích của việc làm này để Giang hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp và được tính vào chi phí hợp lý của Công ty Arktic nhằm giảm tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, che giấu lợi nhuận của công ty đã đạt được.

“Với số tiền lương khống hơn 5,5 tỷ đồng, Công ty Arktic đã không tính, không kê khai quyết toán, không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền là hơn 1,1 tỷ đồng.

Kết luận điều tra nêu, Nguyễn Trường Giang đã kê khai bổ sung và nộp lại toàn bộ số tiền thuế khai báo thiếu, khai báo chưa đầy đủ. Từ ngày 1/6/2020 đến 11/8/2020, Công ty Arktic đã kê khai bổ sung và nộp bổ sung tổng số tiền hơn 9,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, kết luận điều tra cho biết, theo yêu cầu của Nguyễn Đức Chung, Công ty Arktic còn tặng quà, tài trợ với tổng giá trị xuất hóa đơn là 7,8 tỷ đồng cho một số đơn vị, tổ chức.

Trong vụ án này, việc mua chế phẩm Redoxy 3C qua Công ty Arktic của Công ty Thoát nước Hà Nội được bị can Nguyễn Đức Chung ấn định từ trước

Công ty Arktic chỉ làm thủ tục nhập khẩu, sau đó bán lại cho Công ty Thoát nước Hà Nội để hưởng lợi nhuận. Công ty Arktic không có năng lực về kinh nghiệm, chuyên môn, quy mô, tài chính, khi nhập chế phẩm Redoxy 3C chuyển cho Công ty Thoát nước Hà Nội để Công ty này thực hiện việc thí nghiệm.

Sau khi nhập khẩu chế phẩm Redoxy 3C, Công ty Arktic chuyển thẳng về để ở kho của Công ty Thoát nước Hà Nội (mặc dù chưa ký hợp đồng mua bán nhưng do Công ty Arktic không có kho, bãi).

Cá nhân ông Võ Tiến Hùng Giám đốc Cty Thoát nước phải sử dụng 4,6 tỷ đồng của gia đình để ứng tiền cho Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty Arktic thực hiện nhập khẩu chế phẩm Redoxy 3C theo yêu cầu của bị can Nguyễn Đức Chung.

Previous post Bất động sản công nghiệp “sống khỏe” trong đại dịch
Next post Từ 1/1/2022 sẽ áp dụng chuẩn khí thải mức cao nhất đối với ô tô sản xuất mới