Làn sóng chuyển sàn có đánh giá lại giá trị cổ phiếu ngân hàng?

Vì sao ngân hàng ồ ạt lên sàn?

Nhiều ngân hàng đã và đang chạy đua với thời gian để niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán hoặc chuyển sàn từ UPCoM và HNX sang HOSE trong bối cảnh thị trường có nhiều khởi sắc và các quy định mới về việc lên sàn đang đến gần.

Ngày 9/11/2020, gần 1.000 cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (Mã chứng khoán LPB) đã chính thức giao dịch tại Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). Năm 2020, LienVietPostBank là ngân hàng đầu tiên thực hiện chuyển sàn và trở thành ngân hàng thứ 11 niêm yết trên HOSE.

Vào sáng nay (10/11), gần 925 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (Mã chứng khoán VIB) cũng chính thức giao dịch trên HOSE, trở thành mã cổ phiếu ngân hàng thứ 12 niêm yết trên HOSE.

Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB cho biết, việc cổ phiếu VIB được chính thức niêm yết trên sàn HOSE là một bước tiến quan trọng để ngân hàng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với tốc độ cao và bền vững đã thiết lập trong nhiều năm qua. Từ đó, mang lại giá trị tối ưu cho khách hàng, cổ đông, nhà đầu tư, cán bộ nhân viên và đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của thị trường tài chính Việt Nam.

Còn ông Phạm Doãn Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc VIB chia sẻ, việc thực hiện niêm yết trên HOSE là một bước tiến, khẳng định tính minh bạch, thanh khoản của cổ phiếu LPB. LienVietPostBank cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật và của Sở, đảm bảo phát triển kinh doanh hiệu quả, bền vững và công khai minh bạch thông tin đối với nhà đầu tư.

Trước đó, 389 triệu cổ phiếu Ngân hàng Nam Á (mã cổ phiếu NAB) cũng chính thức giao dịch trên UPCoM, với giá tham chiếu 13.500 đồng mỗi cổ phiếu. Đây là ngân hàng thứ 3 trong năm nay đăng ký giao dịch trên UPCoM, sau Ngân hàng Bản Việt và Ngân hàng Sài Gòn hồi đầu tháng 7 vừa qua.

Ngân hàng Hàng Hải (MSB) cũng vừa công bố tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và chuẩn bị niêm yết tại HOSE. Theo đại diện MSB, niêm yết cổ phiếu MSB lên sàn là mục tiêu quan trọng tiếp theo góp phần giúp ngân hàng nâng cao vị thế trên thị trường, bảo đảm quyền lợi tối đa của cổ đông, đối tác, khách hàng và cán bộ, nhân viên.

Như vậy, hiện có 12 cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết trên HOSE gồm: VCB, BID, CTG, TCB, VPB, MBB, HDB, STB, EIB, TPB, LPB, VIB; 3 ngân hàng trên HNX gồm: ACB, SHB, NVB và 6 ngân hàng trên UPCoM gồm: BAB, BVB, SGB, NAB, VBB, KLB.

Cổ phiếu sau chuyển sàn sẽ ra sao?

Giới chuyên gia cho rằng, niêm yết cổ phiếu trong thời điểm hiện nay sẽ giúp các ngân hàng khẳng định giá trị của mình, đồng thời tiếp cận và thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao vị thế thương hiệu. Trong khi đó, việc các ngân hàng liên tục lên sàn sẽ tạo nên thông tin tích cực cho nhà đầu tư đang nắm giữ nhóm cổ phiếu này.

Theo các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC), làn sóng chuyển sàn giúp đánh giá lại giá trị cổ phiếu. Nhiều cổ phiếu dự kiến sẽ chuyển sang niêm yết sàn HSX vào cuối năm 2020. Việc chuyển sang sàn HOSE từ HNX và UpCom sẽ giúp các cổ phiếu có mức định giá cao hơn do minh bạch hơn về thông tin và thanh khoản cao.

Bộ phận nghiên cứu thuộc Công ty Chứng khoán SSI cũng vừa có cập nhật ngành ngân hàng về việc một số ngân hàng mới niêm yết trên HOSE gần đây. Theo SSI, thông tin xung quanh việc chuyển sàn từ UPCoM và HNX sang HOSE giúp cổ phiếu của nhiều ngân hàng tăng trưởng vượt thị trường kể từ đầu năm.

Với điểm chung là chuyển sàn từ UPCOM và HNX sang HOSE, cả ba ngân hàng LPB, SHB và VIB đều tăng trưởng vượt thị trường kể từ đầu năm, tương ứng là 80%, 197% và 95% so với cùng kỳ năm trước. Với mức tăng này, LPB vẫn có tiềm năng tăng giá 16,7% và SHB có khả năng tăng 5,9%. Trong khi đó, tiềm năng này thấp hơn ở VIB do cổ phiếu đã hết room cho nhà đầu tư nước ngoài và thị giá đã ở mức tương đối cao.

Lợi nhuận của LPB được kỳ vọng sẽ hồi phục từ nửa cuối năm 2020, nhờ tăng trưởng tín dụng ước tính hồi phục trong giai đoạn hậu COVID-19 trong khi tỷ lệ chi phí trên thu nhập cải thiện đáng kể. Đồng thời, việc chuyển sàn từ UPCOM sang HOSE sẽ thúc đẩy việc định giá lại.

Trong khi đó, do phụ thuộc nhiều vào kênh tín dụng, đặc biệt là cho vay bán buôn, SHB sẽ nhạy cảm hơn với diễn biến của thị trường. Xu hướng giảm của lãi suất tiếp tục là yếu tố hỗ trợ chính để SHB có thể xử lý các tài sản có vấn đề. Đáng chú ý, SHB huy động vốn chủ yếu từ khách hàng cá nhân (chiếm 68%) và giải ngân phần lớn cho khách hàng doanh nghiệp (chiếm 79%). Sự mất cân đối này thường thể hiện chênh lệch lãi suất hẹp.

Với VIB, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong 2020 và 2021 dự báo sẽ giảm so với mức tăng trưởng 80% của giai đoạn 2016-2019 do triển vọng của mảng cho vay ô tô bị sụt giảm.

Cũng theo giới chuyên gia, việc các ngân hàng chuyển sàn thời điểm này có nhiều thuận lợi. Các chỉ số chứng khoán của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HOSE) tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng trong tháng 10/2020. Đặc biệt, thanh khoản thị trường tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2020 đến nay.

Theo HOSE, tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu trên HOSE trong tháng 10 đạt hơn 9,07 tỷ cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch đạt hơn 181.130 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng lần lượt 23% về khối lượng và 30% về giá trị so với tháng trước đó.

Đáng chú ý, thanh khoản thị trường trong tháng 10 đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay, với giá trị giao dịch đạt hơn 8.230 tỷ đồng/phiên và khối lượng giao dịch đạt trên 412,4 triệu cổ phiếu/phiên, cao hơn 49% so với giá trị giao dịch bình quân 10 tháng đầu năm.

Thống kê của HOSE cũng cho biết, trong tháng 10, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 45.790 tỷ đồng, chiếm 12,64% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường.

Mặc dù, nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng với giá trị hơn 7.230 tỷ đồng trong tháng 10, song các chỉ số chứng khoán của HOSE vẫn tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng.

Previous post Gánh nặng chi phí giá vốn, Bột giặt NET báo lãi quý 4 đi ngang so với cùng kỳ
Next post Phiên 13/1: Khối ngoại trở lại bán ròng trăm tỷ trên HoSE, tập trung bán VRE, NVL