Dịch Covid ảnh hưởng tới thu nhập nhiều người, chuyên gia mách nước làm thế nào có thể kiếm tiền tự động, sinh lời đều đặn và bền vững

Theo Tổng cục thống kê, trong tình hình đại dịch Covid – 19, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động lên tới gần 1,1 triệu người. Nhiều gia đình bị cắt “nguồn cung”, thu nhập giảm sút gây không ít những khó khăn lên đời sống.

Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Việt Nam Q&Me, năm 2020, cách chi tiêu của người Việt trong bối cảnh hậu Covid đã có sự chuyển dịch đáng kể. Theo thống kê, 80% người được khảo sát bị ảnh hưởng tài chính, giảm thu nhập do Covid-19. Có tới 93% người tiêu dùng cho biết họ phải tiết kiệm tiền và cắt giảm chi tiêu vào các khoản như ăn ngoài (61%), thời trang (60%), giải trí (54%), làm đẹp (43%)…

Chị Linh (hiện ở tại Đống Đa, Hà Nội) là hướng dẫn viên du lịch và chồng chị làm việc bên mảng du học Nhật Bản, trước Covid-19, thu nhập hai vợ chồng tương đối tốt. Nhưng từ năm 2020 đến nay, Covid – 19 bùng phát nhiều đợt, khiến cho công việc của hai vợ chồng bị ảnh hưởng nặng nề, thu nhập giảm hơn 60%. Hai vợ chồng phải cân đối lại chi tiêu gia đình và cắt giảm các khoản không quan trọng.

Không riêng gia đình chị Linh, hàng triệu gia đình Việt Nam cũng đang bị ảnh hưởng rõ rệt bởi Covid-19. Đó là câu chuyện không của riêng ai, tài chính gia đình dễ bị tổn thương do hoàn toàn phụ thuộc vào một nguồn thu nhập là lương.

Ngược lại, anh Tuấn (ngụ tại Cầu Giấy) bình tĩnh hơn rất nhiều, dù công việc cũng ảnh hưởng không nhỏ bởi Covid-19. Bởi vì, trước đó, anh Tuấn đã có những tài sản sinh lời rất tốt từ 2 kênh: Chứng khoán và Đầu tư bất động sản. Đặc biệt, anh Tuấn chia sẻ, anh mua đúng đáy Vn-Index hồi tháng 4/2020 và nắm giữ được những mã cổ phiếu tốt, đến nay, tài sản của anh tăng hơn 100%.

Vì vậy, tìm kiếm thêm thu nhập ngoài lương nhờ xây dựng kênh tài sản sinh lời bền vững là suy nghĩ chung của rất nhiều người khi Covid-19 xảy ra. Cũng là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán từ đầu năm 2020 đến nay đã tăng “chóng mặt”.

Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tháng 6/2021, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 140.054 tài khoản – là ngưỡng cao kỷ lục lịch sử mới, gấp hơn chục lần so với tháng 1/2020 – thời điểm khi dịch mới bùng phát tại Việt Nam.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có sự am hiểu về Chứng khoán để đầu tư hiệu quả. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, có đến 95% số lượng người tham gia thất bại trong Chứng khoán.

Ông Đặng Trần Phục – Chủ tịch Công ty Cổ phần AzFin Việt Nam, đơn vị chuyên về đào tạo và tư vấn chứng khoán cho biết, mong muốn kiếm tiền thụ động thì ai cũng có, nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Để xây dựng kênh kiếm tiền tự động, sinh lời đều đặn và bền vững, cần xây dựng theo 3 giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1 được gọi là giai đoạn “Tích lũy tư bản”, hay nói cách khác là giai đoạn làm việc vì tiền hoặc làm việc cho tiền.

Giai đoạn 2 là giai đoạn “Phát triển tư bản”, hay nói cách khác là giai đoạn vận hành tiền đẻ ra tiền.

Giai đoạn 3 là giai đoạn “Tự do tài chính”.

Đầu tư không có kiến thức chính là đánh bạc

Cụ thể hơn, ông Phục phân tích, trong giai đoạn 1, bắt đầu từ khi đi làm, kéo dài khoảng 5-10 năm, thu nhập đa phần còn khá hạn chế do mới đi làm nhưng ngược lại có sức khỏe và sự nhiệt huyết tuổi trẻ. Điều cần làm giai đoạn này, ưu tiên số 1 không phải tìm kênh đầu tư sinh lời, mà nâng cao năng lực chuyên môn để tăng thu nhập.

Chẳng hạn, nếu mới tích lũy được 300 triệu đồng, hiệu quả đầu tư một năm thêm 3% cũng chỉ mang lại thêm 9 triệu đồng/năm. Nhưng nếu bạn tập trung vào công việc thì thu nhập mỗi tháng có thể tăng 5 triệu đồng, tương đương, mỗi năm bạn sẽ tăng được 60 – 80 triệu đồng. Tất nhiên, đối với những người đặc biệt họ làm được cả hai việc cùng một lúc thì càng tốt.

Bên cạnh đó, ở giai đoạn này, bạn cần tiết kiệm nhiều nhất có thể.

Benjamin Franklin có câu nói rất nổi tiếng “Mỗi đồng tiết kiệm là một đồng làm ra”. Không chỉ vậy, ông Phục cho rằng, mỗi đồng tiết kiệm có thể bằng nhiều đồng làm ra. Bởi vì, Ben chưa nhắc đến lãi kép. Mặt khác, mỗi đồng tăng thêm của thu nhập thường cần thêm chi phí. Trong khi đó, mỗi đồng tiết kiệm được là trọn vẹn. Đặc biệt, khi bạn đã tiết kiệm trong một thời gian dài, điều đó sẽ trở thành thói quen trong cuộc sống của mình. Từ đó, nó sẽ giúp chúng ta ngày càng tiết kiệm được nhiều hơn, ít nhu cầu chi tiêu hơn và tự do hơn.

Có một câu nói mà ông Phục tâm đắc “Đánh bạc có kiến thức là đầu tư, đầu tư không có kiến thức chính là đánh bạc“. Tỷ phú đầu tư Warren Buffett từng nói “Rủi ro đến từ việc bạn không biết mình đang làm gì”. Chính vì vậy, chúng ta cần có kiến thức, dù ở bất cứ lĩnh vực nào.

Khi bạn tích lũy được một lượng tiền nhất định, trên 100 nghìn USD (trên 2,5 tỷ đồng) thì hãy bắt đầu tập trung đầu tư sâu.

Giai đoạn này, thời gian, sức khỏe và sự nhiệt huyết không còn như mới ra trường. Tuy nhiên, thu nhập đã ổn định do có tích lũy trong thời gian 5-10 năm. Lúc này, ưu tiên nâng cao kiến thức về đầu tư (Chứng khoán, Bất động sản…) để sử dụng lượng tài sản tích lũy được hiệu quả và thông minh hơn. Mục tiêu biến thu nhập từ đầu tư có thể thay thế lương, trở thành nguồn thu nhập chính của bản thân và gia đình.

Ví dụ, với 10 tỷ đồng tài sản ròng, nếu đầu tư hiệu quả hơn 5%/năm thì mỗi năm có thêm 500 triệu đồng. Con số này lớn hơn nhiều so với việc phải làm việc cật lực để tăng lương được 5- 10 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 60 – 80 triệu đồng/năm (trừ những trường hợp đặc biệt ra).

Tài sản 50 tỷ đồng có cần quan tâm tới thu nhập thụ động?

Ai cũng cần quan tâm tới thu nhập thụ động và nên có những tài sản sinh lời. Ông Phục chia sẻ, quen biết không ít cá nhân có tổng tài sản lớn, trên 50 tỷ đồng, tuy nhiên tài sản sinh lời không nhiều.   

Ví dụ một người bạn, anh Vinh (Hai Bà Trưng) có tổng tài sản gần 140 tỷ đồng. Tuy nhiên, anh lại dồn tiền vào xây dựng một tòa nhà 8 tầng trị giá tới 120 tỷ đồng, trong khi gia đình chỉ có bốn người. Bên cạnh đó, anh đi xe Lexus LX 570, có giá khoảng 8,3 tỷ đồng. Vì vậy, mặc dù tổng tài sản anh khá lớn nhưng tài sản sinh lời chỉ chiếm chưa tới 10% tổng tài sản. 

Bên cạnh đó, đa phần những cá nhân có tổng tài sản trên 50 tỷ đồng, họ đã có đủ kinh nghiệm cũng như sự từng trải nên có thể không cần nhiều lời khuyên. 

Tuy nhiên, nếu cá nhân nào vẫn cần lời khuyên thì ông Phục đưa ra lời khuyên rằng ngoài xây dựng hệ thống tài sản đa dạng tự vận hành sinh lời, họ nên tập trung đào tạo thế hệ con cái để tiếp quản và xây dựng truyền thống gia đình. Hướng đến trường tồn sự giàu có bền vững theo thời gian.

Previous post Đề xuất đầu tư 8 dự án cao tốc Bắc – Nam bằng vốn ngân sách
Next post Bình Chánh (Tp.HCM) gỡ “nút thắt” cho đất trong quy hoạch dân cư xây mới