HSBC: Việt Nam luôn có cách vượt qua mọi khó khăn và trở ngại, tăng trưởng GDP năm nay vẫn có thể đạt 5-5,5%
Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, ông Tim Evans, vừa đưa ra một số nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021, trong đó đặt ra hai viễn cảnh cho nền kinh tế đến cuối năm trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua đợt bùng dịch thứ tư.
Viễn cảnh 1: Tăng trưởng GDP nằm trong ngưỡng 5-5,5%, phụ thuộc vào tiến độ và mức hiệu quả của chương trình tiêm vắc-xin, việc mở cửa lại nền kinh tế cùng với khả năng phục hồi và khởi động lại các thị trường xuất khẩu lớn trong bối cảnh nhiều thách thức do biến chủng Delta.
Viễn cảnh 2: Nếu chương trình tiêm vắc-xin triển khai không đủ nhanh trong khi giãn cách còn kéo dài, nền kinh tế sẽ chịu thêm nhiều tác động nặng nề và thêm áp lực lên chuỗi cung ứng, GDP sẽ có khả năng tăng trưởng ở mức 3,5-4%.
Chúng tôi xin giới thiệu bài nhận định của ông Tim Evans để quý độc giả cùng theo dõi.
——–
Người ta vẫn thường nói trước bình minh luôn là bóng tối mịt mùng. Về cơ bản, đây chính là lời khuyên mọi người không nên bỏ cuộc khi gặp khó khăn vì mọi sự thường chuyển biến tốt hơn ngay sau những thời khắc khó khăn ấy. Là một ngân hàng đã đồng hành với Việt Nam 151 năm và cùng đất nước này trải qua bao thăng trầm, chúng tôi rất hiểu Việt Nam luôn có cách vượt qua mọi khó khăn và trở ngại. Dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát huy phẩm chất kiên cường và bền bỉ, để đất nước này một lần nữa giành chiến thắng và những tháng ngày tươi đẹp sẽ trở lại. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng đó và mặc dù Việt Nam đang phải trải qua một giai đoạn đầy thử thách, chúng tôi vẫn nhìn thấy viễn cảnh tích cực cho nền kinh tế này trong tương lai.
Chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng cho Việt Nam sau một năm 2020 tăng trưởng đầy bản lĩnh khi đây là một trong số ít quốc gia đạt mức tăng trưởng dương vốn là kết quả của nỗ lực kiểm soát dịch bệnh rất hiệu quả. Tất cả đều chung một niềm tin rằng Tân Sửu sẽ là một năm mạnh mẽ, đáng tin cậy, công bằng và điềm đạm như đức tính của loài trâu sau một năm Canh Tí khá hỗn loạn.
Năm nay đã khởi đầu rất thuận lợi với xuất khẩu có đà tăng trưởng đầy tích cực nhờ một loạt nền kinh tế phương Tây bắt đầu mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách kéo dài trong năm 2020 và Việt Nam bắt đầu hưởng lợi từ rất nhiều Hiệp định Tự do Thương mại đã ký trước đây. Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của HSBC đã dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam có thể đạt 7,1% và bản thân nền kinh tế này cũng thể hiện sự tự tin cho thấy đây là một mức tăng trưởng hoàn toàn có thể đạt được.
Điều duy nhất không ai lường được là sự đột biến của virus Covid, sản sinh ra biến chủng mới nguy hiểm hơn rất nhiều. Đó là biến chủng Delta, một đột biến nguy hiểm có khả năng lây lan nhanh đến mức rất khó để kiểm soát. Biến chủng này đã lan rộng khắp Việt Nam, đặc biệt ở miền Nam vốn là trung tâm kinh tế của cả nước, buộc các cơ quan chức năng phải nhanh chóng triển khai các đợt giãn cách và ban hành những quy định hạn chế di chuyển. Tình trạng này dẫn đến sự suy giảm trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Cụ thể, tổng vốn đăng ký FDI đã giảm 11,1% trong 7 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái (chỉ riêng trong tháng 7 đã giảm tới 53,8%).
Tuy nhiên, điểm tích cực là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đã tăng 3,8% trong giai đoạn 7 tháng đầu năm so với với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn nguồn vốn này được rót vào lĩnh vực sản xuất và chế biến, sau đó là tới mảng sản xuất và phân phối điện.
Một tác động khác của giãn cách xã hội là tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề. Doanh số ngành bán lẻ giảm 19,8% trong tháng 7, mức giảm sâu nhất kể từ tháng 4/2020. Doanh số bán xe hơi sụt giảm đáng kể với mảng xe con giảm 15,9% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái còn mảng xe kinh doanh vận tải cũng giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tác động đối với lĩnh vực sản xuất trở nên nghiêm trọng hơn trong tháng 8 và những hạn chế hiện tại khiến một số doanh nghiệp phải tạm đóng cửa, trong khi đó các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển dẫn đến sụt giảm về sản lượng, đơn hàng mới, sức mua và việc làm. Tất cả những điều đó đã gây ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng chưa từng thấy, khó khăn vốn đã chồng chất từ trước do những vướng mắc xung quanh vấn đề vận tải và áp lực giải quyết tồn đọng tại các cảng trong nước. Kết quả là sản lượng công nghiệp giảm lần đầu tiên trong năm tháng do sản lượng sản xuất suy yếu.
Khó khăn hiện tại tập trung chủ yếu trong lĩnh vực da giày và dệt may do khu vực Đông Nam Bộ vốn là một trung tâm sản xuất quan trọng của thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng dịch Covid lần này. Nhiều thương hiệu lớn bắt đầu nhìn thấy thách thức trong hoạt động sản xuất, tình hình này sẽ sớm tác động đến người tiêu dùng phương Tây trong mùa lễ hội. Một điểm sáng là xuất khẩu mặt hàng điện thoại di động lại trụ vững một cách đáng ngạc nhiên. Nguyên nhân sâu xa là do các cụm lắp ráp chủ yêu tập trung ở miền Bắc nơi hoạt động sản xuất đã dần trở lại như bình thường sau hai đợt bùng dịch nặng nề vào tháng 5 và tháng 6.
Không quá ngạc nhiên khi các số liệu tháng 8 phản ánh rõ nét những tổn thất kinh tế Việt Nam đang phải gánh chịu. Tác động của đợt bùng dịch này nghiêm trọng hơn giai đoạn giãn cách xã hội cả nước trong 3 tuần hồi tháng 4/2020. Tiêu dùng cá nhân trong nước ảnh hưởng nặng nề khi khả năng đi lại của người dân nói chung bị hạn chế tới mức trung bình 60% so với trước đại dịch. Điều này đồng nghĩa với mức sụt giảm 40% của ngành bán lẻ so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình tại TP. HCM còn nghiêm trọng hơn nơi khả năng đi lại của người dân giảm gần 90% khiến doanh số bán lẻ giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái.