Doanh nghiệp da giày hiến kế duy trì sản xuất
Trái với những tín hiệu hồi phục trong những tháng đầu năm, ngành da giày đang đối mặt nỗi lo xu hướng xuất khẩu sẽ giảm xuống trong các tháng cuối năm nay, do tác động của đại dịch COVID-19, 80% nhà máy tạm dừng hoặc phải giảm năng suất lao động.
Cuống cuồng lo bồi thường
Nếu 7 tháng đầu năm nay, ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 14,2 tỷ USD, tăng 25,3% và đang trên đà tiếp tục tăng trưởng, thì thời điểm hiện tại, ngành này đối mặt nỗi lo xu hướng xuất khẩu sẽ giảm xuống trong các tháng cuối năm, do tác động của đại dịch COVID-19, 80% nhà máy phải giảm năng suất lao động hoặc thậm chí là tạm dừng sản xuất.
Cụ thể, trong hơn 1 tháng qua, các doanh nghiệp da giày khu vực phía Bắc dù vẫn hoạt động nhưng với công suất chỉ 50% do thiếu nguyên phụ liệu từ các nhà máy phía Nam. “Trong khi đó, việc nhập khẩu từ Trung Quốc cũng không thuận lợi do việc di chuyển gặp khó khăn khi nguyên phụ liệu ngành da giày nhập khẩu chính từ Trung Quốc (60%), tiếp đến là Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Những khó khăn hiện nay đã khiến nhiều đối tác của ngành da giày dần chuyển đơn hàng sang các nước khác”, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho biết.
Điều này dẫn tới phản ứng ngưng trệ dây chuyền, ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Pousung Việt Nam cho biết: “Đặc thù của ngành da giày là sản xuất theo dây chuyền. Tình trạng ngưng trệ sản xuất không chỉ xảy ra với doanh nghiệp ngành giày da, mà có nhiều doanh nghiệp khác cùng ngành nghề, doanh nghiệp cung ứng nguyên vật liệu… khiến kế hoạch sản xuất ngưng trệ”.
Đặc biệt, dù nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến cuối năm nay, nhưng rất nhiều khó khăn khiến doanh nghiệp khó giữ tiến độ giao hàng cũng như duy trì lực lượng công nhân.
“Mặc dù chúng tôi đã có đơn hàng đến hết tháng 12/2021 nhưng nguyên vật liệu về chậm, giá tăng 10 – 30%; vận chuyển khó khăn; thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” không phù hợp do mật độ lao động dày đặc là những khó khăn doanh nghiệp đang phải đối mặt. Và nếu dịch bệnh kéo dài, đơn hàng sẽ không thực hiện được, hoặc chậm trễ, khách hàng sẽ cắt đơn hàng. Vì vậy, doanh nghiệp phải bồi thường cho khách hàng. Sau dịch, khả năng mất đơn hàng là rất lớn, để khôi phục lại hết sức khó khăn”, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định lo lắng.
Các doanh nghiệp đều cho rằng, việc thực hiện biện pháp “3 tại chỗ” không phù hợp với ngành da giày, không đảm bảo phòng dịch bệnh do đặc thù ngành rất đông công nhân. Mô hình sản xuất “3 tại chỗ” chỉ phù hợp với một số ngành như dệt, sợi sử dụng ít nhân công.
Do đó, Phó Chủ tịch LEFASO cho biết, đã cùng các nhãn hàng quốc tế bàn thảo và sẽ kiến nghị lên Chính phủ. “Thứ nhất là đẩy mạnh khả năng tự test nhanh trong nội bộ các nhà máy để duy trì sản xuất theo mô hình 2 tại chỗ. Thứ hai là mua vaccine, doanh nghiệp sẵn sàng chung tay cùng với Nhà nước để có nguồn kinh phí tiêm miễn phí cho người lao động“, Phó Chủ tịch, Tổng Thư Ký Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam, Phan Thị Thanh Xuân nhận định
Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, ngành da giày sẽ có cơ hội thực hiện các đơn hàng xuất khẩu, giữ được mục tiêu khoảng 22-23 tỉ USD năm nay.
Ban hành Bộ tiêu chí “2 tại chỗ” – “4 xanh”
Nhưng để hiện thực được mục tiêu này, tại công văn góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 mới đây, LEFASO đưa ra một loạt góp ý ở cả góc độ phục hồi sản xuất.