Có ngân hàng cổ phần muốn giảm vốn điều lệ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 50/2018/TT-NHNN (thông tư 40) ngày 31 tháng 12 năm 2018 quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đáng chú ý, NHNN dự định sẽ bổ sung quy định về giảm vốn điều lệ của NHTM cổ phần (trừ trường hợp ghi giảm vốn điều lệ của NHTM trong trường hợp chuyển giao bắt buộc NHTM được kiểm soát đặc biệt). 

NHNN cho biết thời gian qua đã nhận được đề nghị của NHTM cổ phần có nhu cầu giảm mức vốn điều lệ theo quy định tại Điều 29 Luật các TCTD. Vì vậy, NHNN cần có hướng dẫn để thực hiện quy định này tại Luật các TCTD. 

Hiện nay, trình tự, thủ tục, hồ sơ chấp thuận những thay đổi quy định tại Điều 29 Luật các TCTD được điều chỉnh bởi Thông tu số 50/2018/TT-NHNN. Tuy nhiên, Thông tư này mới chỉ quy định về việc tăng mức vốn điều lệ của NHTM, vốn được cấp của chi nhánh NHNg mà chưa có quy định về việc giảm vốn điều lệ của NHTM cổ phần.

Theo đó, NHNN sửa đổi, bổ sung phạm vi điều chỉnh của Thông tư 50 theo hướng bổ sung thủ tục giảm vốn điều lệ của NHTM cổ phần (trừ trường hợp ghi giảm vốn điều lệ của NHTM trong trường hợp chuyển giao bắt buộc NHTM được kiểm soát đặc biệt).

Dự thảo Thông tư  bổ sung Điều 14a vào sau Điều 14 về giảm mức vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần thông qua việc mua lại cổ phần của cổ đông để phù hợp với các quy định về trách nhiệm của đại hội đồng cổ đông; quy định về mua lại cổ phần của doanh nghiệp, ngân hàng thương mại; quy định về công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình; quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động và an toàn hoạt động ngân hàng.

Hồ sơ đề nghị giảm vốn bao gồm 4 thủ tục. Thứ nhất là văn bản đề nghị, trong đó có tối thiểu các nội dung: lý do giảm, mức vốn điều lệ dự kiến giảm, cam kết giảm  vốn điều lệ không làm giá trị thực của vốn điều lệ thấp hơn mức vốn pháp định, không dẫn đến vi phạm các tỷ lệ, giới hạn an toàn hoạt động, thời gian dự kiến hoàn thành việc giảm mức vốn điều lệ.

Nghị quyết hoặc quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án giảm mức vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần thông qua việc mua lại cổ phần của cổ đông.

Phương án giảm mức vốn điều lệ, tối thiểu phải có: kế hoạch mua lại cổ phần (số lượng cổ phần dự kiến mua lại, nguyên tắc xác định giá, giá dự kiến mua lại, thời điểm thực hiện dự kiến; nguồn dự kiến sử dụng để mua lại cổ phần);  Danh sách cổ đông và tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông có tỷ lệ sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên so với vốn điều lệ thời điểm hiện tại và dự kiến sau khi giảm vốn điều lệ; Danh sách người sở hữu cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng; Danh sách cổ đông hoặc người có liên quan có tỷ lệ sở hữu cổ phần từ 20% trở lên so với vốn điều lệ thời điểm hiện tại và dự kiến sau khi giảm vốn điều lệ; Thông tin về tổng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài hiện tại và dự kiến sau khi giảm vốn điều lệ (nếu có); Đánh giá tác động của việc giảm vốn điều lệ đối với tình hình hoạt động, an toàn hoạt động của ngân hàng thương mại (trước và dự kiến sau khi giảm vốn điều lệ), trong đó bao gồm các chỉ tiêu an toàn sau đây: vốn điều lệ, giá trị thực của vốn điều lệ; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; giới hạn góp vốn, mua cổ phần; giới hạn, hạn chế cấp tín dụng.

Báo cáo tài chính của năm liền kề trước năm đề nghị của ngân hàng thương mại đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập trong trường hợp thời điểm dự kiến mua lại cổ phần từ 6 tháng trở xuống kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính và trong trường hợp thời điểm dự kiến mua lại cổ phần quá 6 tháng kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính.

Về trình tự, Ngân hàng thương mại lập hồ sơ gửi Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu ngân hàng thương mại bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận đề nghị giảm mức vốn điều lệ của ngân hàng thương mại; trường hợp không chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Văn bản chấp thuận giảm mức vốn điều lệ có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký.

Previous post Tập đoàn Louis Agro thông báo mở 2 gói thầu tại nhà máy Đồng Tháp và An Giang
Next post Nhiều cổ phiếu chứng khoán giảm sàn, VN-Index điều chỉnh phiên thứ 3 liên tiếp