Đá Hoàng Mai chuẩn bị niêm yết trên sàn HNX
Đá Hoàng Mai vừa thực hiện IPO thành công, tăng vốn điều lệ lên hơn 56 tỷ đồng. HMR hiện là công ty con của Công ty Cổ phần Tổng công ty Công trình Đường sắt.
Tiền thân của Công ty Cổ phần Đá Hoàng Mai là xí nghiệp công nghiệp được Bộ Giao thông Vận tải thành lập vào năm 1963. Khởi đầu từ một xí nghiệp khai khoáng nhỏ, doanh nghiệp đã phát triển thành một công ty cổ phần có uy tín ở địa phương, trụ sở tại thị xã Hoàng Mai, có 01 nhà máy sản xuất và khu mỏ đá cũng ngay tại thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.
Khu vực mỏ khai thác có diện tích 7,5 ha, với trữ lượng đá vôi là 11 triệu tấn. Mỏ đá được đánh giá là một trong những nguồn đá xây dựng tốt, đáp ứng được tiêu chuẩn đá dùng trong các công trình xây dựng dân dụng, giao thông đường bộ và đường sắt.
Công ty đã tập trung đầu tư vào công nghệ tiên tiến để có thể chủ động quản lý chất lượng sản phẩm một cách tốt nhất. Theo đó, Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất đá các loại, đặt tại khu vực mỏ để thực hiện chế biến đá thành phẩm từ nguồn đá thô.
Đá thô sau khi khai thác được đưa vào dây chuyền sản xuất để nghiền nhỏ thành đá xây dựng các loại. Sản phẩm đá xây dựng được cung cấp cho các công trình xây dựng, các công trình giao thông đường bộ và đường sắt nội địa.
Khu mỏ đá khai thác, nhà máy sản xuất và kho hàng của công ty có vị trí giáp ranh giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, chạy dọc đường quốc lộ 1A và ngay sát tuyến đường sắt Bắc-Nam. Với lợi thế vị trí địa lý, quá trình vận chuyển hàng hóa của công ty thuận lợi, giảm chi phí bốc dỡ, nhanh chóng tiếp cận các thị trường tiêu thụ là khu vực miền Bắc và các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Trong năm 2020, với chủ trương đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ, thị trường vật liệu xây dựng nói chung và ngành đá xây dựng nói riêng có nhiều khởi sắc. Cụ thể, tổng nhu cầu đá xây dựng cả nước trong năm 2020 lên đến 181 triệu m3. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển ngành vật liệu xây dựng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, nhu cầu tiêu thụ đá được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Đặc biệt, các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như các tuyến cao tốc Bắc – Nam trong đó các các đoạn qua miền Trung như Diễn Châu – Bãi Vọt, nâng cấp sân bay Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới…sẽ là những yếu tố chính thúc đẩy đà tăng trưởng dài hạn của các doanh nghiệp khai thác đá. Việc nâng cấp hạ tầng khu vực, đầu tư vào các tuyến đường giao thông được dự báo sẽ là trọng điểm trong chiến lược đầu tư công 2021-2025 của Chính phủ. Các doanh nghiệp khai thác đá như Hoàng Mai sẽ có lợi thế phát triển tốt.
Bên cạnh mảng khai thác đá, Công ty có 01 nhà máy sản xuất tà vẹt bê tông dự ứng lực, đặt tại thị xã Hoàng Mai. Nguồn nguyên liệu sản xuất bao gồm đá, cát nguyên liệu và sắt thép xây dựng. Sản phẩm tà vẹt được cung cấp cho các công ty cổ phần quản lý đường sắt hoặc các nhà thầu thi công đường sắt để phục vụ các công trình đường sắt.
Nhà máy sản xuất tà vẹt bê tông dự ứng lực được xây dựng cách mỏ đá khoảng 1km tại thị xã Hoàng Mai. Nhà máy nằm sát bên cạnh đường quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam, có vị trí thuận lợi về giao thông đường bộ/đường sắt. Đây là yếu tố thuận lợi trong quá trình sản xuất, vận chuyển, cung ứng sản phẩm của Nhà máy.
Năm 2020 là một năm khởi sắc của khối hạ tầng – ngành Đường sắt, các Đơn vị thi công nói chung và Công ty Cổ phần Đá Hoàng Mai nói riêng. Bốn dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – TP HCM có tổng nguồn vốn đầu tư 7.000 tỉ đồng được triển khai đã thổi một luồng sinh khí mới, tạo động lực cho sự phát triển của các doanh nghiệp. Nhờ vậy, các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2020 của Đá Hoàng Mai đã vượt kế hoạch đề ra. Công ty đạt 8,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 27% so với kế hoạch, trả cổ tức 16,5% bằng tiền mặt cho các cổ đông.
Năm 2021, ước kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty tiếp tục khả quan, tạo nền tảng tốt cho sự phát triển trong năm mới, đặc biệt khi các gói kích cầu, phục hồi kinh tế được Quốc hội, Chính phủ ban hành. Lãnh đạo công ty cho biết, niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán sẽ là bước chuyển mình lớn của Đá Hoàng Mai để tiếp cận thị trường vốn dài hạn, đáp ứng các yêu cầu khắt khe hơn về quản trị doanh nghiệp nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động và nắm bắt được các cơ hội lớn mà thị trường chứng khoán đem lại cho các doanh nghiệp niêm yết.