Chuyên gia đưa ra lời khuyên giúp giảm căng thẳng áp lực về tài chính cá nhân

Khi ở độ tuổi 20, Raven Tao cảm thấy “tuyệt vọng” về tình hình tài chính của mình. Cô thiếu “kỹ năng quản lý tiền cơ bản” và tự trách bản thân khi để mình lâm vào tình trạng khó khăn.

Raven Tao đã vung tiền mua quần áo hàng hiệu và nợ thẻ tín dụng.

“Tôi kiếm được một mức lương khá khi làm việc trong lĩnh vực truyền thông, nhưng tôi đã tiêu xài hoang phí vào những bộ quần áo hàng hiệu mà tôi chưa bao giờ mặc”, Tao chia sẻ.

Sinh ra ở New Zealand và sống ở Hong Kong, Tao – hiện đã 39 tuổi kể lại:

“Tôi cũng nhận được nhiều lời khuyên đầu tư tồi tệ, từng gửi vào tài khoản tiết kiệm chung với một người nhưng chỉ mình tôi gửi tiết kiệm còn người kia thì rút hết tiền. Tôi cũng có nhiều hóa đơn tín dụng với số tiền nợ khá lớn”.

“Tôi muốn cải thiện tình hình tài chính của mình, nhưng không biết làm thế nào”, Tao kể lại: “Tôi không giỏi với những con số. Đó là lý do khiến tôi vin vào để không có hành động nhằm kiểm soát tài chính của bản thân. Tôi cũng không dám nhận giúp đỡ hoặc lời khuyên nữa vì sợ lại bị lừa gạt. Tôi cảm thấy mình như một người thất bại vì không thể quản lý tài chính cá nhân, vì vậy tôi đã tránh ngay cả việc nghĩ về nó”.

Kết quả là Tao bị tổn thương về mặt tình cảm. Cô làm việc và chi tiêu nhiều hơn để tránh không nghĩ về những rắc rối liên quan đến tiền bạc nhưng điều này càng làm cô tuyệt vọng. Và Tao rơi vào tình trạng trầm cảm. Giấc mơ sở hữu tài sản và khởi nghiệp của cô dường như không thể đạt được và cô đã cam chịu với niềm tin rằng mình “không có duyên” với tiền bạc.

Lời khuyên của chuyên gia

Sự bất an về tài chính là một yếu tố có quan hệ mật thiết với tình trạng sức khỏe tâm thần kém; và tình trạng này ngày càng tăng cao do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Theo một báo cáo tháng 5/2021 của OECD, sau khi đại dịch bùng phát, sức khỏe tâm thần của những người thất nghiệp và những người gặp phải tình trạng mất an ninh tài chính còn tồi tệ hơn so với trước khi có dịch.

Với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, tiền lương suy giảm và khó có việc làm được trả lương cao, bối cảnh tài chính hiện tại có vẻ dễ khiến con người lâm vào tình trạng căng thẳng và chán nản. Làm thế nào chúng ta có thể cảm thấy hy vọng và được trao quyền nhiều hơn trong việc quản lý tình hình tài chính của mình?

Trước tiên, điều quan trọng là phải hiểu rằng “tiền ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe tinh thần và hành vi của chúng ta, và tâm lý, sức khỏe tâm thần và hành vi của chúng ta ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng ta với tiền bạc”, Jane Monica-Jones, một nhà trị liệu tài chính tại Sydney, Úc cho biết .

“Bạn có ít hay nhiều không quan trọng; cách tiền ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của chúng ta là như nhau. Khi nghe mọi người nói, chúng ta không nên quá “nhạy cảm” với vấn đề tiền bạc. Tôi luôn không ủng hộ quan điểm này vì tôi tin rằng nó khiến những người đang đối mặt với những căng thẳng liên quan đến tiền bạc cảm thấy bị cô lập và đơn độc”.

“Nếu muốn có năng lực phục hồi về mặt tài chính tốt hơn… chúng ta cần xem tiền là một vấn đề sức khỏe tâm thần chứ không chỉ là những con số trong tài khoản ngân hàng của chúng ta”.

Bạn cũng nên hướng tới một khả năng đó là mình thiếu kỷ luật tài chính hoặc thiếu hiểu biết về tài chính.

Khi trưởng thành, chúng ta được kỳ vọng sẽ giải quyết ổn thỏa các vấn đề tài chính của mình, nhưng hầu hết chúng ta không được dạy cách quản lý tiền bạc hoặc biết đến việc tâm lý cá nhân ảnh hưởng đến thói quen tiền bạc của chúng ta như thế nào, Monica-Jones cho biết thêm. May mắn thay, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu học.

“Khi chúng ta hiểu cách bản thân ứng xử với tiền bạc của mình trong quá khứ, chúng ta sẽ dễ dàng thực hiện những thay đổi cho một tương lai tài chính tích cực hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tìm thấy lòng trắc ẩn của bản thân trên đường đi, bởi vì mối quan hệ giữa chúng ta với tiền bạc có thể đầy thử thách, khó khăn và đôi khi đau đớn. “

Monica-Jones cho biết những người từng trải qua chấn thương tâm lý có xu hướng lo lắng về tiền bạc hơn những người chưa từng gặp chấn thương. Đây có thể là chấn thương phát triển từ thời thơ ấu hoặc chấn thương “gây sốc” gần đây hơn như ly hôn, phá sản hoặc người thân qua đời. Chấn thương có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát căng thẳng cũng như khả năng phục hồi sau khủng hoảng của chúng ta.

Dù nguyên nhân là gì, căng thẳng và lo lắng nói chung có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn nếu không được kiểm soát. Tiến sĩ Mark Greene, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Lifespan Counseling ở Central, Hong Kong, cho rằng thời gian căng thẳng và lo lắng kéo dài đã được chứng minh là có tác động tiêu cực trực tiếp đến hệ thống miễn dịch và sức khỏe của chúng ta.

Các tác nhân gây căng thẳng có thể dẫn đến các triệu chứng trầm cảm, nếu không được điều trị, có thể phát triển thành trầm cảm toàn diện, kiệt sức, tăng hoặc giảm cân và / hoặc dẫn đến hành động sử dụng chất kích thích. Các mối quan hệ của chúng ta cũng có khả năng bị ảnh hưởng khi chúng ta cảm thấy mất tự tin hoặc lo lắng về tình trạng sức khỏe giảm sút của mình.

Greene nói: “Bạn có thể giảm bớt căng thẳng và lo lắng bằng nhiều cách. Ví dụ: bạn có thể kết nối với bạn bè và những người thân yêu bằng trò chuyện video – điều này sẽ giúp bạn hình thành mối liên kết chặt chẽ hơn và cho bạn cảm giác rằng bạn đang ở cùng với người thân”.

“Tập thể dục cũng giúp ích; nó giải phóng endorphin cải thiện tâm trạng và nâng cao lòng tự trọng. Hoặc thử những phương cách giúp phân tâm tích cực như nghe nhạc, làm vườn, đọc sách…”

“Tất cả những điều này đều giúp bạn tập trung tâm trí óc vào điều gì đó mang tính xây dựng để bạn không suy nghĩ quá nhiều vào những điều tiêu cực- tất cả các hình thức suy nghĩ tiêu cực có thể làm tăng mức độ lo lắng. Cuối cùng, hãy nói với bản thân rằng bạn rất mạnh mẽ”.

Monica-Jones cho biết thêm, khi hệ thống thần kinh của bạn được thư giãn, bạn sẽ thấy dễ dàng hơn trong việc giải quyết các vấn đề và đối phó với những thách thức, chẳng hạn như những vấn đề liên quan đến tài chính của bạn. Khi bạn cảm thấy mình có thể đối phó với những thách thức này, bạn sẽ cảm thấy tự tin và được tiếp thêm sức mạnh.

Suy nghĩ tích cực, kiểm soát tài chính

Chán nản với tình hình tài chính rối ren của mình, Tao bắt đầu thay đổi khi cô bước sang tuổi 30. Đầu tiên, cô giải quyết những suy nghĩ về tiền bạc của mình, mà theo cô là đang là mớ bòng bong giữa quan điểm của người khác cùng một số niềm tin tiêu cực đã ăn sâu. Sau đó, cô theo dõi các khoản chi tiêu hàng ngày của mình để kiểm soát được các khoản chi tiêu không cần thiết và bắt đầu học về tài chính.

Hiện tại, tình hình tài chính của Tao đã tốt hơn. Cuộc hành trình của Tao đã dẫn dắt cô đến quyết định thành lập một doanh nghiệp xã hội nâng cao kiến thức về tài chính có tên là MoneyMind. Tổ chức này có mục tiêu giúp loại bỏ những căng thẳng trong việc quản lý tài chính và trao quyền cho mọi người đối phó với tình trạng mất an toàn tài chính. Chương trình sẽ bắt đầu trong năm nay.

Tao không còn lo lắng về tiền bạc như trước nữa và duy trì tinh thần thoải mái bằng các hoạt động giảm căng thẳng.

Cô chia sẻ: “Hành động từ từ, sử dụng những lời khẳng định tích cực và khuyến khích bản thân đối mặt, không né tránh những vấn đề tài chính, đã giúp tôi rất nhiều. Tôi đã có “mối quan hệ tốt hơn” với bản thân và tiền bạc. Với tôi, đối phó với vấn đề tài chính giống như một cuộc phiêu lưu hơn là một gánh nặng”.

(Theo SCMP)

Previous post Tp.HCM báo cáo tiến độ nhiều dự án giao thông trọng điểm
Next post NTK Công Trí – Hành trình truyền cảm hứng, đưa thời trang Việt ra biển lớn và trở về