Amazon – tập đoàn nghìn tỷ USD ‘chơi ăn gian’: Vừa bán sản phẩm, vừa kiểm soát nền tảng thống trị chuyên bán các sản phẩm đó, là quái vật không ai có thể lật đổ
Tờ CNN đưa tin, Thượng nghị sĩ Mỹ Elizabeth Warren đang nỗ lực thúc đẩy ý tưởng chia tách Amazon, cho rằng công ty trị giá 1,7 nghìn tỷ USD này đơn giản “quá quyền lực”.
Bà Elizabeth nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Amazon có quyền lực và họ sử dụng nó để đè bẹp các doanh nghiệp nhỏ trước khi xây dựng được chỗ đứng vững chắc cho mình”.
Elizabeth cho rằng thật không công bằng khi Amazon vừa là bên bán các sản phẩm như áo sơ mi, thức ăn cho thú cưng và giày thể thao, đồng thời cũng chính là bên kiểm soát nền tảng thống trị nơi các sản phẩm đó được bán.
Bà nói: “Bạn chỉ có thể là trọng tài chính hoặc là cầu thủ trên sân. Nhưng bạn không thể là cả hai. Vậy mà Amazon lại đang giữ cả hai vị trí đó. Giải pháp ở đây là gì? Phải chia tách Amazon”.
Nhìn chung, Amazon, Facebook và Big Tech hiện bị các chính trị gia từ cả hai đảng ở Mỹ chỉ trích nặng nề. Đa phần những người này đều lo ngại về lượng quyền lực khổng lồ mà big tech tích lũy được.
Đối với Facebook, mối quan tâm chính của các nhà phê bình là nền tảng truyền thông xã hội khổng lồ này đã không làm đủ tốt để ngăn chặn sự lan truyền thông tin sai lệch hoặc bảo vệ dữ liệu người dùng.
Giám đốc điều hành của Salesforce là Marc Benioff gần đây đã nói với CNN rằng “sự lừa dối lan truyền như cháy rừng” trên Facebook là nguyên nhân cho phần lớn những gì xảy ra với nước Mỹ ngày nay, từ cuộc khủng hoảng khí hậu đến Covid-19. Về phần mình, Facebook khẳng định họ đã thực hiện những cải tiến có ý nghĩa để ngăn chặn thông tin sai lệch, bao gồm cả các thuyết âm mưu về vaccine.
GIAN LẬN
Với Amazon, bà Warren nói rằng công ty này sử dụng quyền lực để “gian lận”
Những người chỉ trích Amazon cho rằng công ty đã lợi dụng các cửa hàng bán lẻ và các đối thủ cạnh tranh khác một cách không công bằng.
Warren nói: “Một khi sự độc quyền bắt đầu phát triển, nó sẽ trở thành một thứ tự bản thân tồn tại. Amazon khởi đầu là dịch vụ giao sách thống trị. Và sau đó họ bắt đầu phát triển sang các sản phẩm khác và trở thành dịch vụ giao hàng thống trị. Bây giờ Amazon giống như một con quái vật phải được cho ăn sau mỗi phút”.
Amazon hiện từ chối bình luận về nhận xét của Warren. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Amazon đã chỉ ra một số bài đăng trên blog từ một năm trước để bao biện cho ý tưởng chia tách công ty.
Đầu tiên, Amazon cảnh báo rằng “các quan niệm khác biệt về chống độc quyền” sẽ “giết chết các nhà bán lẻ độc lập và trừng phạt người tiêu dùng”. Điều đó xảy ra khi buộc các doanh nghiệp nhỏ rời khỏi các cửa hàng trực tuyến, tăng giá và cắt giảm sự lựa chọn và sự tiện lợi của người tiêu dùng.
“Tất cả các tổ chức lớn đều thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý và chúng tôi hoan nghênh sự giám sát đó”, Amazon viết trong bài đăng. “Nhưng các công ty lớn không thống trị, và những lời cáo buộc cho rằng thành công mà họ có nhờ kết quả của hành vi chống cạnh tranh là sai”.
Ngày nay, Amazon đã mở rộng sang mọi thứ, từ giải trí, tạp hóa đến thuốc kê đơn. Đây cũng là một công ty hàng đầu trong thị trường dịch vụ điện toán đám mây đang bùng nổ.
“Amazon đang sở hữu hai thứ khiến họ rơi vào tình huống rủi ro: Sức mạnh kinh tế và chính trị. Sức mạnh kinh tế của họ đến từ sự thống trị của nền tảng Amazon.com nhưng họ mở rộng sự thống trị đó bằng cách sử dụng nền tảng này để gian lận”, Warren nói. “Tiếp đó, họ sử dụng quyền lực chính trị của mình để khiến các nhà chức trách không bắt họ phải chịu trách nhiệm”.
Amazon chỉ ra rằng họ chỉ chiếm chưa đến 1% trong tổng số 25 nghìn tỷ USD thị trường bán lẻ toàn cầu và chưa đến 4% doanh số bán lẻ ở Mỹ. Công ty nói thêm rằng họ thậm chí không phải là nhà bán lẻ lớn nhất của Mỹ (mà là Walmart) và họ phải cạnh tranh với “các công ty lớn, lâu đời” như Target, Costco, Kroger, Home Depot và Best Buy.
“THÔNG TIN NỘI BỘ”
Warren đề cập đến một cuộc điều tra của Reuters đã sử dụng một loạt các tài liệu nội bộ của Amazon để chỉ ra cách công ty thực hiện một “chiến dịch có hệ thống nhằm tạo ra hàng nhái và thao túng kết quả tìm kiếm”. Mục đích là để giúp đẩy doanh số các dòng sản phẩm của riêng mình ở Ấn Độ, một trong những thị trường tăng trưởng lớn nhất của họ.
Báo cáo cho thấy các thương hiệu tư nhân của Amazon ở Ấn Độ đã khai thác dữ liệu nội bộ để sao chép các sản phẩm được bán bởi các công ty khác và sau đó cung cấp chúng trên nền tảng Amazon.
“Những cáo buộc này là không chính xác và không có cơ sở. Amazon không dành ưu đãi cho bất kỳ người bán nào trên nền tảng của mình”, Amazon cho biết khi bình luận báo cáo của Reuters.
Amazon cho biết họ có chính sách “nghiêm cấm việc sử dụng hoặc chia sẻ dữ liệu không công khai, dành riêng cho người bán với người bán, kể cả với người bán của các thương hiệu tư nhân” và công ty sẽ điều tra bất kỳ báo cáo nào về việc nhân viên vi phạm chính sách này.
Amazon nhấn mạnh rằng cách họ hiển thị kết quả tìm kiếm sản phẩm không ủng hộ các sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình.