Sau hơn 1 năm tuyên bố phá sản, sàn Leflair lại vừa hồi sinh tại Việt Nam với pháp nhân mới?

Nhiều thông tin cho rằng sàn giao dịch điện tử Leflair được cho là chuẩn bị quay lại thị trường Việt Nam. Lần quay lại này của Leflair là “bình cũ, rượu mới”, thông qua thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) bởi một công ty công nghệ tại Mỹ.

Được biết, công ty hậu thuẫn Leflair đã có 3 năm hoạt động tại Việt Nam và thành công trong nhiều thương vụ M&A với các công ty công nghệ vừa và nhỏ tại Việt Nam. Tự tin vào nền tảng giao dịch của mình trong lĩnh vực giao dịch thương mại điện tử, công ty này quyết định nhận chuyển nhượng lại thương hiệu và nền tảng công nghệ cơ bản của doanh nghiệp thực sự hữu thương hiệu Leflair để mang Leflair trở lại với thị trường Việt.

Tại Việt Nam, cái tên Leflair tạo niềm tin về một địa chỉ mua hàng hiệu chính hãng với nhóm khách hàng trung lưu. Sau khi ra mắt tại Việt Nam năm 2015, họ đã thu hút hơn 2.500 thương hiệu hợp tác và mở rộng hoạt động sang Singapore và Philippines. Trong 4 năm kinh doanh (2016-2019), sàn bán lẻ hàng hiệu này đã tiếp cận và phục vụ hơn 120.000 khách hàng, doanh thu thuần mỗi năm đạt hàng chục triệu USD và duy trì giá trị đơn hàng trung bình cao nhất thị trường TMĐT Việt Nam.

Trong quá trình kinh doanh, nhà khai thác của Leflair trước đây khá bạo tay trong việc đầu tư, chi tiền cho việc làm hình ảnh và nội dung cho trang web. Họ đã xây dựng một đội ngũ nhân sự hùng hậu chuyên chụp sản phẩm, tạo các concept không đụng hàng cho các chiến dịch Flash Sale, hình thức thúc đẩy tiêu dùng không mới nhưng khá mạnh tay và cũng được đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đáng tiếc, sau những vòng gọi vốn hiệu quả lớn với tổng dòng vốn thu đầu tư lên tới 12 triệu USD cùng việc mở rộng ra thị trường Philippines, doanh nghiệp này vướng lùm xùm nợ các đối tác 2 triệu USD. Tháng 5/2020, Leflair nộp đơn xin đề nghị chấp thuận phá sản và đến tháng 3/2021, thủ tục phá sản được mở, xác nhận bởi giấy chấp thuận đề nghị phá sản của toà án.

Về phía doanh nghiệp “Leflair mới”, thương vụ M&A này thực hiện giữa nhà đầu tư mới đến từ Mỹ và doanh nghiệp thực sự sở hữu thương hiệu Leflair là GoodVentures SEA Ltd, một tập đoàn có trụ sở chính tại Hongkong.

Leflair hiện đã được chuyển nhượng quyền sở hữu tên thương mại và các tài sản vô hình đi kèm nhãn hiệu Leflair cho nhà đầu tư mới theo luật quốc tế. Theo đó, Leflair sẽ chỉ là cái tên quen thuộc, được mua lại và vận hành hoàn toàn bởi ông chủ mới và không chịu trách nhiệm với bất cứ hoạt động nào của doanh nghiệp cũ đã từng sử dụng thương hiệu Leflair – đơn vị vốn đã tuyên bố và được chấp thuận mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật.

Previous post IFC thu xếp vốn cho liên doanh T&T Group – YCH phát triển ‘siêu cảng’ ICD Vĩnh Phúc
Next post Cơn ác mộng của các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ trở thành hiện thực: Walmart chiêu mộ nhân tài từ nhà băng nổi tiếng, chính thức bước chân vào ngành tài chính