Nháy điện, mất điện trong nhà máy công nghệ cao – Thách thức và lời giải
Vấn đề của cả người bán lẫn người mua
Theo thống kê của Viện nghiên cứu điện quốc tế EPRI, gần 70% các vấn đề về chất lượng điện liên quan trực tiếp đến sự cố nháy điện, mất điện thoáng qua gây tổn thất sản phẩm, chất lượng và giảm tuổi thọ máy móc. Tại Việt nam một số doanh nghiệp công nghệ cao thường xuyên phải đối mặt với các sự cố trên đã yêu cầu bên bán điện, Sở công thương thậm chí cả Bộ công thương tìm mọi giải pháp tháo gỡ thậm chí có cả các yêu cầu đền bù thiệt hại. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề có thể giải quyết một sớm một chiều do liên quan đến nhiều bên và cả đặc thù địa lý vùng miền. Vậy đâu là nguyên nhân gốc rễ và giải pháp tối ưu nhất cho các bên ?
Nháy điện, mất điện thoáng qua được biết đến là một trong những vấn đề gây tổn thất nhiều nhất trong công nghiệp không chỉ ở Việt nam mà ngay cả các quốc gia phát triển có lưới điện gần như hoàn hảo như Mỹ, Nhật, Singapore cũng không thể loại bỏ hoàn toàn sự cố này. Theo quy định của tổ chức điện quốc tế IEEE 1159, đây là nhóm sự cố ngắn hạn với thời gian diễn ra chỉ từ vài chục mili giây nên phải có các thiết phân tích chất lượng điện chuyên dụng mới phát hiện chính xác thời gian tồn tại sự cố, biên độ điện áp và nguyên nhân.
Tại Việt nam, số lượng sự cố trên cũng không giống nhau giữa các khu công nghiệp, các tỉnh thành do có khác biệt trong thiết kế mạng lưới, giữa các vùng miền như tại miền Bắc tỉ lệ nháy điện trung bình hàng năm khoảng 30-50 lần, chủ yếu vào mùa mưa bão trong khi tại miền Nam tỉ lệ này thấp hơn nhiều. Bên cạnh thời tiết còn có những nguyên nhân khách quan khác như tác động của động vật lên lưới, các sai sót của thiết bị bảo vệ, hoạt động đóng cắt của các phụ tải lớn trong cùng khu công nghiệp… Do những yếu tố rất khó đánh giá này nên hiện nay chưa có tiêu chuẩn quốc tế nào cung cấp cơ sở pháp lý cho các yêu cầu đền bù tổn thất.