Địa giới được mở rộng gấp 4 lần, loạt ông lớn đổ bộ… thị trường BĐS nơi đây đang bước vào giai đoạn bùng nổ

Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021. 

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính và sắp xếp, thành lập các phường, TP Huế có 265,99 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 652.572 người với 36 đơn vị hành chính cấp xã (29 phường và 7 xã). Như vậy, TP Huế mở rộng sẽ có diện tích rộng gấp 3,7 lần diện tích hiện hữu 70,67 km2.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc mở rộng địa giới hành chính sẽ tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản Huế phát triển, đặc biệt trong bối cảnh Huế đang là đích ngắm của hàng loạt ông lớn trong và ngoài nước.

Nhằm đón đầu làn sóng đầu tư vào bất động sản Huế, các tên tuổi lớn trong giới kinh doanh địa ốc cũng đã chuẩn bị quỹ đất cho mình từ những năm trước đó. Nhiều “ông lớn” địa ốc đã đầu tư vào TP Huế cách đây vài năm trước. Có thể kể tới như Bitexco, VinGroup, BRG…với các dự án như: khu nghỉ dưỡng Mỹ An Huế 544,8 tỷ của Bitexco, Vineco Thừa Thiên Huế, Vincom Tứ Hạ của VinGroup, dự án Khu nghỉ dưỡng Vinh Thanh và Vinh Xuân 2.000 tỷ của BRG…

Tuy nhiên, làn sóng đầu tư vào bất động sản TP Huế bây giờ mới thực sự bắt đầu với hàng loạt các dự án khu đô thị mới đã và đang được nghiên cứu triển khai xây dựng.

Mới đây nhất, Tập đoàn LH Hàn Quốc muốn đầu tư 3 dự án hơn 1.800 ha tại Huế. 3 dự án mà Tập đoàn Nhà đất Hàn Quốc – Korea Land & Housing (LH) muốn đầu tư thuộc khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên Huế). Hiện Tập đoàn này đã có báo cáo cuối kỳ về các dự án đề xuất nghiên cứu tại khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.

Theo đó, giai đoạn 1, tập đoàn sẽ đầu tư khu công nghiệp Chân Mây, diện tích khoảng 115 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 34,56 triệu USD. Tập đoàn đề xuất khu công nghiệp mang tên HuKo (Huế – Korean). Ở giai đoạn 2 và 3, doanh nghiệp sẽ phát triển lần lượt khu công nghiệp kỹ thuật cao quy mô 700 ha và khu đô thị diện tích khoảng 1.000 ha.

Được biết, trước đó UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty trách nhiệm hữu hạn AeonMall Việt Nam về nghiên cứu đầu tư trung tâm thương mại tại Huế. Tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án khoảng 150-160 triệu USD.

Trước đó, tập đoàn FLC cũng đã đề xuất đầu tư tới 7 dự án tại Huế. Các dự án mà FLC đề xuất gồm: dự án 7ha tại Hùng Vương, Dự án Tổ hợp thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí tại Khu A – Đô thị mới An Vân Dương; Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp với sân golf ở huyện Phong Điền với quy mô trên 700ha. Và ở huyện Phú Vang là Dự án Khu quần thể du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp FLC Huế tại xã Vinh Xuân.

Đại gia họ Vinaconex cũng đã có mặt tại Huế với liên danh Vinaconex IUC-Vinconex 3 và Vimeco đầu tư vào khu đô thị An Vân Dương; Liên danh Vinaconex 7 – Vinconex IUC; Vinaconex 9 cũng  đầu tư vào Khu đô thị mới này;…

Ngoài ra, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest cũng đã đặt chân đến Huế tại Khu A khu đô thị mới An Vân Dương (An Đông). Dự án này do liên danh Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị An Vân Dương và Công ty CP Đầu tư Văn Phú – Invest là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển, có tổng mức đầu tư khoảng 4.649 tỷ đồng. Hiện Văn Phú cũng đang quy hoạch du lịch ở Lộc Bình (Phú Lộc) và dự án di dân ở Thượng Thành với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Bỉ.

Được biết, Dự án Khu C khu đô thị mới An Vân Dương cũng do Liên danh Công ty CP Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam – Công ty CP Cơ điện lạnh – Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị Bộ Quốc phòng trúng sơ tuyển với kinh phí 3.776 tỷ đồng.

Riêng Vietravel sẽ cam kết phối hợp với ngành du lịch địa phương, hợp tác với các hãng lữ hành quốc tế nghiên cứu xây dựng các dòng sản phẩm du lịch mới có tính chiến lược, có sức hấp dẫn để thu hút khách…

Tập đoàn Việt Hưng nghiên cứu Dự án Quần thể sân golf và làng du lịch sinh thái phong cảnh Việt Nam tại phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy với quy mô khoảng 567 ha. 

Ngoài ra, Tập đoàn Sovico đề xuất nghiên cứu 2 dự án là Khu du lịch và nghỉ dưỡng Lập An – Lăng Cô và Khu đô thị tại Khu E – Đô thị mới An Vân Dương…

Mới đây, một tập đoàn đến từ Tây Ban Nha cũng vừa khởi đông xây dựng dự án Hue Amusement and Beach Park. Đây là dự án có quy mô lớn chừng 50ha tại thôn 3 xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế, gồm các khu biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn 4-5 sao quy mô 1.000 phòng, du lịch…tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng.

Sự hiện diện của hàng loạt đại gia trong ngành BĐS là nguyên nhân khiến thị trường BĐS tại đây sôi động mạnh mẽ thời gian qua. Theo ghi nhận giá đất nền tại khu quy hoạch Xuân Phú, Thanh Thuỷ, Thuỷ Vân, Phú Vang… đã có những chuyển biến mạnh, thậm chí giá đã tăng gấp 2 lần so với trước. 

Nếu như trước đây giá đất nền tại trục đường chính của khu quy hoạch Xuân Phú chỉ 16 triệu đồng/m2 thì nay tăng lên 35 triệu đồng/m2. Tại khu quy hoạch Thuỷ Thanh, Thuỷ Vân từ 7-8 triệu đồng/m2 đã lên 12-16 triệu đồng/m2 hay đất khu quy hoạch Vinh Vệ, Phú Vang từ 3 triệu đồng/m2 lên 5,5 triệu dồng/m2…. 

Có thể nói, sau những động thái của các “ông lớn” địa ốc, tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và TP Huế nói riêng đang chứng kiến một làn sóng đầu tư mới vào Huế. Theo đó, thị trường bất động sản tại đây cũng sôi động hơn.

Previous post Lý do khiến Nga – Trung xích lại gần nhau hơn bao giờ hết
Next post Ngành cảng biển khởi sắc, VIP Green Port (VGR) báo lãi 204 tỷ đồng cả năm, tăng trưởng 34%