Đại gia bất động sản vỡ nợ khi thị trường bất động sản rớt giá thê thảm
Năm 2020, khi thị trường bất động sản Đà Nẵng lao dốc cũng là thời điểm giới buôn đất tại đây rúng động với thông tin nữ đại gia Đào Thị Như Lệ (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) bị vỡ nợ gần 1.000 tỉ đồng do vay mượn đầu tư bất động sản.
Cụ thể, Đào Thị Như Lệ đã vay tổng số tiền lên đến hơn 500 tỷ đồng tại một số ngân hàng để đầu tư bất động sản. Các bất động sản nữ đại gia này mua đầu tư chủ yếu tập trung ở Đà Nẵng và đúng thời điểm giá tăng mạnh, đạt đỉnh vào cuối năm 2018, đầu năm 2019. Tuy nhiên, không lâu sau đó giá đất tụt giảm 30-35% và do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên Đào Thị Như Lệ đã rao bán nhằm “cắt lỗ” nhưng không có người mua.
Trước bờ vực “vỡ nợ”, bà Lệ đi vay nóng bên ngoài thêm hơn 500 tỷ đồng với lãi suất cao từ 5-30% để “cầm cự”, xong càng cầm cự càng tuột dốc dẫn đến mất khả năng thanh toán. Nợ chồng nợ, bà Lệ tìm đủ mọi cách để trả lãi, trong đó có việc “mượn” 22 sổ đỏ sau đó chiếm đoạt để cầm cố, giao nộp cho chủ nợ làm tin.
Tháng 8/2020, Cơ quan CSĐT khởi tố, bắt tạm giam Đào Thị Như Lệ về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”
Vụ vỡ nợ của Đào Thị Như Lệ khiến nhiều người nhớ đến vụ vỡ nợ của nữ đại gia Nguyễn Thị Cúc (Phú Xuyên, Hà Nội) cách đây 10 năm. Thời điểm 2010 khi thị trường BĐS Hà Nội nóng sốt Nguyễn Thị Cúc khai nhận vay nợ khoảng 230 tỷ đồng và 600 cây vàng của người dân và một số đầu mối. Sau đó, bà Cúc đem tiền đi đầu tư bất động sản chủ yếu là các biệt thự, nhà đất ven đô. Ngoài ra, Cúc còn mua sắm tài sản, trả nợ, lãi…
Để tạo lòng tin với người bị hại, ban đầu, Cúc trả lãi rất đúng hạn. Người đàn bà này còn tỏ ra là giàu có, sở hữu nhiều nhà cửa đất đai… làm nhiều người hám lợi nhanh chóng bị mắc lừa mà không chút nghi ngờ. Với số tiền vay lớn, trung bình một tháng Cúc phải trả lãi tới 10 tỷ đồng.
Do đầu tư lớn lại đúng lúc gặp thị trường thị trường bất động sản lao dốc vì vậy Cúc mất khả năng thanh toán và sau đấy Cúc đã bỏ trốn. Đến sáng ngày 24/10/2011, đối tượng Nguyễn Thị Cúc trú đã ra cơ quan Công an huyện Phú Xuyên để tự thú.
Cùng với vụ vỡ nợ của Nguyễn Thị Cúc, năm 2011 khi bất động sản khủng hoảng, thị trường còn chứng kiến hàng loạt vụ vỡ nợ lớn. Nhiều người vẫn còn nhớ đến vụ phá sản chấn động Bắc Ninh của vợ chồng Giám đốc Công ty Bất động sản Hải Hà là Nguyễn Thị Minh Tâm (50 tuổi).
Khởi đầu là một cán bộ Ngân hàng, phụ trách mảng tín dụng, chuyên cho vay, Nguyễn Thị Minh Tâm đã có cơ hội tham gia vào lĩnh vực bất động sản, mua đấu giá đất dự án rồi bán lại, hưởng chênh lệch. Sau khi giàu lên nhanh chóng, Tâm đã xin nghỉ hẳn việc ở ngân hàng cùng chồng thành lập Công ty Bất động sản Hải Hà. Với vỏ bọc hoành tráng, cặp vợ chồng này đã lấy được lòng tin của rất nhiều người, huy động được số tiền cho vay lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Tâm thừa nhận đã vay nợ gần 130 tỷ đồng, cũng với lãi suất siêu khủng lên đến 3.000 đồng/ngày/triệu, mỗi ngày Tâm phải trả hơn 1 tỷ đồng tiền lãi. Số tiền này Tâm dùng để mua các biệt thự tại Bắc Ninh và ven Hà Nội, tất cả gần 50 căn. Được biết, Tâm có mối quan hệ rất thân tín với nhiều doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội.
Khi BĐS sôi động, tiền chênh tại mỗi căn biệt thự lên tới vài tỷ, Tâm phất lên “như diều gặp gió”. Nhưng ai ngờ, nay thị trường bất động rớt giá, Tâm thành con nợ khổng lồ. Các chủ nợ của Tâm đều là những người bạn làm ăn lớn các thương vụ mua bán bất động sản tại Hà Nội và Bắc Ninh.
Còn rất nhiều những vụ vỡ nợ liên quan đến bất động sản như vụ vỡ nợ 150 tỷ của Nguyễn Thị Dậu (Hà Đông, Hà Nội) vào tháng 1/2011. Khi ra đầu thú, bà Dậu hé lộ thông tin liên quan đến nhiều đại gia BĐS: “Tôi đi vay từ hơn 30 người dân số tiền 100 tỷ đồng, 10.000 USD và 11 cây vàng, với tổng giá trị là 150 tỷ. Nhưng toàn bộ số tiền đó cộng thêm tiền của gia đình tôi đều chuyển cho Nguyễn Đức Thắng (Quang Trung, Hà Đông) vay lại và anh ta đầu tư vào bất động sản. Thậm chí, tôi còn mượn sổ đỏ của mẹ để đi vay ngân hàng 1 tỷ đưa cho Thắng. Tôi cũng chính là nạn nhân trong vụ vỡ nợ này”.
Theo bà Dậu, Thắng vốn là một đại gia có tiếng trong giới BĐS bởi hàng loạt các biệt thự đại Khu đô thị Văn Khê, Văn Phú. Thắng trúng nhiều phi vụ ăn chênh lệnh tiền tỷ nên ai cũng nể. Cách đây 2 năm, khi thị trường BĐS lên cơn sốt, chỉ trong vòng một tháng, Thắng bán chênh 10 căn biệt thự, mỗi căn lãi 2 tỷ đồng, thừa sức trả lãi cao cho các chủ nợ. Vì tin tưởng vào tài buôn đất có nghề của Thắng thêm lời gợi mở về các dự án khu vực Hoài Đức nên bà Dậu tiếp tục gom tiền tiếp cho đại gia.
Cũng vỡ nợ vì bất động sản, vợ chồng Bùi Thị Quyên (SN 1976) và Tạ Việt Quang (SN 1975, chủ tiệm vàng Quang Quyên trú tại thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội từng gây xôn xao dư luận năm 2011 vì vay tiền trả lãi suất cao lên tới 2.500đ/1.000.000đ/ngày để đầu tư bất động sản và dùng để trả lãi, đáo hạn các khoản vay.
Trước khi bị khởi tố về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Tạ Việt Quang nguyên là ông chủ nhiều doanh nghiệp kinh doanh ô tô, công ty du lịch, chủ tiệm vàng… Đồng thời, là khách hàng VIP của nhiều công ty chuyên môi giới bất động sản tại huyện Hoài Đức, Đan Phượng (Hà Nội).
Ngoài những vụ vỡ nợ đơn lẻ trên, có lẽ có lẽ giới BĐS sẽ không quên những cú “ngã ngựa” của loạt đại gia bất động sản từng vang danh một thời. Đó là năm 2015 khi bà Châu Thị Thu Nga – Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) bị bắt để điều tra hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hay mới đây một đại gia bất động sản có tiếng khác là Bà Dương Thị Bạch Diệp cũng đang bị đề nghị mức án chung thân do có liên quan đến “đất vàng” 185 Hai Bà Trưng và 57 Cao Thắng (TPHCM).