Tham vọng địa ốc tỷ đô của bà chủ Vimedimex

Cùng với những thông tin tích cực tìm kiếm nguồn nhập khẩu vaccine COVID-19, cổ phiếu VMD của CTCP Y dược phẩm Vimedimex (Vimedimex) đang chứng kiến chuỗi tăng điểm “điên rồ” nhất trong lịch sử doanh nghiệp này, khi tăng 16 phiên liên tiếp, trong đó có đến 14 phiên tăng trần, đưa thị giá từ mức 24.700 đồng/CP ngày 9/8 lên gấp 3 lần, đạt 72.100 đồng/CP chốt phiên 30/8.

Cơn điên cổ phiếu VMD chưa rõ tới bao giờ mới dừng lại. Biết rằng theo Báo cáo thường niên năm 2020, Vimedimex tự định giá giá trị doanh nghiệp trên cổ phiếu lên tới… 537.934 đồng/CP, tức là gấp 7,5 lần mức hiện nay.

Vimedimex có lịch sử thành lập từ năm 1984, tiền thân là công ty trực thuộc Bộ Y Tế. Doanh nghiệp này được cổ phần hoá năm 2006. Vimedimex suốt chặng đường dài phát triển vừa qua ghi đậm hình bóng của bà Nguyễn Thị Loan (SN 1970) với vai trò Chủ tịch HĐQT.

Điều thú vị là, nữ doanh nhân gốc Hoà Bình lại không khởi nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm, mà là tài chính, khi bà có nhiều năm công tác tại BIDV, từng làm tới Trưởng phòng Quản lý rủi ro tại ngân hàng này.

Giai đoạn 2007-2008, sau khi rời BIDV, bà Nguyễn Thị Loan tiếp tục tham gia sâu vào lĩnh vực tài chính, với việc hợp tác cùng một cựu cán bộ Vietinbank là ông Trần Văn Kỳ (hiện là Chủ tịch Hateco Group) đầu tư vào một loạt doanh nghiệp trong ngành như CTCP Chứng khoán Hoà Bình, CTCP Quản lý Quỹ Quốc tế, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Vàng Quốc tế, ngoài ra còn phải kể đến CTCP Đầu tư Sài Gòn – Hà Nội, hay đáng chú ý hơn cả là CTCP Đầu tư và Phát triển Hoà Bình.

Phát triển Hoà Bình từng là cổ đông lớn tại VieABank từ năm 2010, trước khi thoái hết 32 triệu cổ phần, tương đương 9,15% vào giữa năm 2019. Bản thân bà Nguyễn Thị Loan từng ngồi ghế Phó Chủ tịch HĐQT VietABank vào năm 2011, tuy nhiên đã rút lui chỉ 2 năm sau đó, dù vẫn duy trì sở hữu cổ phần tại đây (thoái vốn năm 2019 như đã đề cập).

Trở lại với Vimedimex, 3 năm sau cổ phần hoá, bà Loan cùng cộng sự Trần Văn Kỳ tới tháng 4/2009 mới tham gia vào HĐQT Vimedimex, với vai trò lần lượt là Phó Chủ tịch và Uỷ viên HĐQT. Trong khi doanh nhân quê Thái Bình không gắn bó với Vimedimex quá lâu, khi rút khỏi HĐQT vào tháng 9/2012, thì cùng thời điểm, bà Nguyễn Thị Loan được bầu làm Chủ tịch HĐQT, và từ đó tới nay gắn với vị trí lãnh đạo cao nhất tại cựu thành viên Bộ Y Tế.

Vimedimex nhiều năm qua là nhà nhập khẩu, phân phối dược phẩm hàng đầu cả nước, cùng 3 ông lớn Zuelig Pharma Vietnam, Sang Pharma hay Phytopharma đều đặn thu về khoảng 3 tỷ USD doanh thu mỗi năm. Riêng năm 2020, Vimedimex đạt doanh thu 18.168 tỷ đồng, lãi sau thuế 37 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cần biết rằng song song với dược phẩm hay tài chính, bà chủ Vimedimex Nguyễn Thị Loan còn một cuộc chơi rất lớn khác – là bất động sản.

Vimedimex làm địa ốc không phải thông tin mới mẻ, khi tập đoàn này đã ra mắt hẳn một pháp nhân chuyên trách, cùng thương hiệu Vimefulland cùng dự án đầu tay Belleville Hà Nội được trình làng vào cuối năm 2016, Tuy nhiên, để có cái nhìn toàn cảnh hệ sinh thái cũng như tham vọng của Vimedimex trong lĩnh vực địa ốc, thì chưa thực sự có quá nhiều dữ liệu.

Sau thành công của dự án Belleville, Vimefulland nhận được nhiều sự chú ý của giới đầu tư với việc ra mắt loạt dự án tại đất vàng Hà Nội khác là Emerald Center Park tại quận Nam Từ Liêm với diện tích 1,9ha; Dự án The Eden Rose tại huyện Thanh Trì với diện tích 8ha hay dự án Iris Garden tại quận Nam Từ Liêm.

Hiện tại, Vimedimex Group đang triển khai hai dự án là Helianthus Center Red River với diện tích 4,9 ha tại Đông Anh và The Jade Orchid diện tích 6,1 ha tại Bắc Từ Liêm.

Nhiều dự án kể trên là do các thành viên của Vimedimex M&A hoặc liên doanh, liên kết hợp tác đầu tư. Đơn cử như khu nhà thấp tầng Belleville Hà Nội do CTCP Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm liên doanh với CTCP đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội; Dự án The Emerald do CTCP Bất động sản Mỹ Đình hợp tác với CTCP Đầu tư xây dựng phát triển nhà Hà Nội; hay như CTCP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm (tiền thân là CTCP Đầu tư và Kinh doanh Vàng Quốc tế) hợp tác Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam thực hiện dự án Khu đô thị An Thịnh 6, Hoài Đức.

Song song với triển khai các dự án thì Vimedimex cũng đã và đang mạnh mẽ mở rộng quỹ đất, đáng chú ý là thương vụ mua lại một phần dự án Ciputra gồm lô đất TM01, CT05, CT06 có tổng diện tích 79.629 m2. CTCP bất động sản Thanh Trì cuối năm 2019 cũng đặt cọc mua lại lô đất BT05 tại Ciputra với quy hoạch 81 căn nhà ở thấp tầng trên diện tích gần 14.000 m2.

Vimedimex còn thông qua CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng làm dự án tuyến đường Minh Khai-Vĩnh Tuy-Yên Duyên dài 1,65 km để đổi lấy 60ha đất đối ứng ở ba khu vực “đất vàng” của quận Hoàng Mai theo dự án BT, gồm: Khu đất thứ nhất là KĐT Ao Mơ có tổng diện tích là 22,9ha nằm trên trục đường nối Minh Khai-Vĩnh Tuy-Yên Duyên; Khu đất thứ hai là các khu đất thuộc dự án xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu di dân tổ 24, 25 với diện tích khoảng 26 ha; Khu đất thứ ba thuộc dự án Khu sinh thái Vĩnh Hưng và KĐT Vĩnh Hưng với tổng diện tích khoảng 20ha.

Ngoài ra, “Porfolio” của Vimedimex còn bao gồm dự án Bel Air Hà Nội tại quận Nam Từ Liêm với diện tích 2,5ha; Dự án Annecy Garden quận Hoàng Mai với diện tích 25ha; Dự án The Grand Sevilla tại quận Hai Bà Trưng với diện tích 54,5ha; Dự án Torre Agbar Parkview tại quận Hoàng Mai với diện tích 1,68ha, hay tổ hợp Palatium Mari Resort tại Đà Nẵng có diện tích lên tới 177,2ha…

Lưu ý rằng, khác với các tập đoàn khác hoạt động theo mô hình holding – công ty mẹ quản lý vốn tại các công ty con, các thành viên trong Vimedimex Group lại khá độc lập về cơ cấu sở hữu, hầu hết các mắt xích phụ trách mảng bất động sản của tập đoàn này đều được hậu thuẫn trực tiếp bởi các cá nhân thân cận của bà Nguyễn Thị Loan.

Đơn cử như tại CTCP Đầu tư Phát triển Nhà ở Bắc Từ Liêm, Chủ tịch HĐQT là bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, người đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT của CTCP Bất động sản Vimedimex. Hay như tại CTCP Đầu tư bất động sản Thanh Trì, Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật là bà Trịnh Ngọc Duyên (SN 1988) – Phó Tổng giám đốc VMD.

Đặc biệt, không thể không kể đến vai trò của Lê Xuân Tùng – con trai bà Nguyễn Thị Loan. Ngoài chức vụ Phó Tổng giám đốc VMD, doanh nhân trẻ sinh năm 1995 còn đứng tên tại CTCP Đầu tư tổng hợp Đông Sơn – chủ đầu tư dự án Khu đô thị Sơn Đồng quy mô 310ha tại Hoài Đức, Hà Nội. Ông Tùng cũng đang nắm giữ 10,73% vốn tại CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng, 8 triệu cổ phần tại CTCP Đầu Tư Thương Mại & Dịch Vụ Á Âu hay 50% vốn tại Công ty TNHH Bất động sản An Dương – doanh nghiệp hợp tác với CTCP Đầu tư Xây dựng Minh Dương thực hiện dự án Khu chức năng đô thị mới Minh Dương, Hoài Đức.

 Tham vọng địa ốc tỷ đô của bà chủ Vimedimex - Ảnh 1.

Previous post Tiền tệ các nước tăng giá mạnh, có đồng tăng 40% chỉ trong 1 tuần, vàng và Bitcoin tiếp tục đi lên
Next post 7 lý do để bạn không thể “lơ là” thẻ tín dụng