Sự chuyển động của dòng tiền: Những cảnh báo về bất động sản và lạm phát
Nếu trong thiên nhiên nước chảy từ cao xuống thấp, thì trên thị trường, tiền sẽ chảy từ nơi có lãi suất thấp (có hiệu quả thấp hơn) sang nơi có lãi suất cao (có hiệu quả cao hơn). Song, do tác động của quan hệ tiền – hàng, của quy luật cung – cầu chỉ một thời gian sau, do sự chuyển dịch của dòng tiền sẽ làm cho tỷ suất lợi nhuận ở các kênh có sự thay đổi, thậm chí có thể đảo ngược lại.
Những kênh trước đây nhờ có tỷ suất lợi nhuận cao đã hút lượng tiền lớn vào, tất yếu sẽ làm cho “tiền nhiều hơn hàng”, cũng tất yếu làm cho giá và tỷ suất lợi nhuận giảm so với trước; những kênh trước đây do có tỷ suất lợi nhuận thấp, làm cho có một lượng tiền được rút khỏi, tất yếu sẽ làm cho “tiền ít hơn hàng”, cũng tất yếu sẽ dẫn đến giá cả cao lên, tỷ suất lợi nhuận cao lên, sẽ lại hút tiền trở lại.
CHUYỂN ĐỘNG TIỀN GIỮA NGÂN HÀNG VÀ LƯU THÔNG
Những diễn biến trên sẽ “lái” dòng tiền chuyển động. Chu kỳ chuyển động cụ thể theo từng kênh có sự dài ngắn khác nhau. Nhiều nhà đầu tư/đầu cơ đã theo dõi, đúc kết sự chuyển động của dòng tiền từ các chu kỳ này để “đón lõng” đầu tư/đầu cơ, kéo theo sự chuyển động của dòng tiền. Không ít nhà đầu tư nhờ vậy và cộng hưởng với nhiều yếu tố khác (nhanh nhạy, may mắn, có quan hệ rộng…) mà trở thành “đại gia”, “siêu đại gia”…
Nhìn tổng quát, có 2 điểm cần quan tâm. Điểm thứ nhất là quan hệ giữa dư nợ tín dụng và GDP, biểu hiện dưới 2 chỉ tiêu, đó là so tốc độ tăng dư nợ tín dụng với tốc độ tăng GDP (giá so sánh) và tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP (giá thực tế).
Trước hết là so sánh tốc độ tăng tín dụng và tốc độ tăng GDP