Nối lại đường bay quốc tế: Vẫn chờ hướng dẫn y tế với khách nhập cảnh
Chính phủ đã cơ bản đồng ý kế hoạch thí điểm mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với địa bàn có hệ số an toàn cao, bắt đầu từ 1/1/2022. Còn nửa tháng tới mốc này, nhưng chưa có phương án khai thác cụ thể ra sao.
Sáng 14/12, trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Cục Hàng không cho hay, kế hoạch bay quốc tế phụ thuộc vào hướng dẫn cách ly, giám sát y tế với người nhập cảnh của Bộ Y tế, nhưng tới nay chưa có. Sau khi hướng dẫn này được Bộ Y tế ban hành, Cục Hàng không mới có cơ sở để đàm phán với các nước dự định nối lại đường bay , từ đó quyết định về tần suất, sân bay đi/đến.
Theo kế hoạch Bộ GTVT xây dựng , bước thí điểm giai đoạn 1 sẽ có tần suất 4 chuyến/đường bay/tuần, nhưng theo lãnh đạo Cục Hàng không, đây mới là định hướng của Việt Nam, cụ thể ra sao về đường bay, tần suất bay vẫn phải chờ đàm phán cụ thể với từng quốc gia, vùng lãnh thổ. Sau giai đoạn 1 kéo dài 15 ngày, sẽ thí điểm giai đoạn 2 trong 1 tháng, sau đó Bộ GTVT đánh giá báo cáo Chính phủ để tiến tới khai thác bình thường.
“Sau khi đàm phán xong với các nước về đường bay, tần suất, Cục Hàng không sẽ báo cáo Bộ GTVT, sau đó mới cấp phép bay cho các hãng”, lãnh đạo Cục Hàng không nói thêm.
Về phía hãng hàng không, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết, hãng luôn sẵn sàng để khai thác bay quốc tế ngay khi được phép. Hiện hãng vẫn tiếp tục cùng ngành du lịch tổ chức các chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế tới 5 địa phương của Việt Nam. Cùng đó, các đại lý, đối tác ở nước ngoài vẫn được hãng duy trì, để khi được bay sẽ phối hợp thông tin, thu hút nguồn khách ổn định.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi và chờ quy định về giám sát y tế với khách nhập cảnh để có định hướng mở thị trường. Dù sao, việc Chính phủ đồng ý mở lại đường bay quốc tế từ ngày 1/1/2022 cũng là tín hiệu vui với các hãng hàng không, và sẵn sàng bay ngay khi được phép”, ông Hà nói.
Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, thị trường quốc tế nào nối lại vẫn phải chờ quyết định của nhà nước, nhưng có thể khai thác ngay với các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc, nơi có cộng đồng người Việt tới làm việc, học tập nhiều, có nhu cầu cao về quê dịp Tết Nguyên đán 2022. Tiếp đó có thể thêm các thị trường châu Âu. Hiện hãng này vẫn duy trì đường bay thường lệ tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, nhưng chủ yếu chở khách từ Việt Nam đi và chở hàng hóa.
Theo ông Hà, năm 2021, do ảnh hưởng dịch COVID-19, thị trường vận tải khách hàng không quốc tế chỉ bằng 1,5-1,9% so với năm 2019. Dự kiến nửa cuối năm 2022, ở kịch bản khả quan nhất, thị trường khách quốc tế qua đường hàng không sẽ phục hồi bằng 25% so với trước khi có dịch, tăng dần vào cuối năm, tới năm 2024 mới phục hồi bằng thời điểm khi chưa có dịch.