Các bệnh viện trên sàn chứng khoán đang làm ăn ra sao?
Với quy mô dân số gần 100 triệu người cùng thu nhập ngày càng cải thiện, mức độ quan tâm tới sức khỏe của người dân Việt Nam ngày càng gia tăng.
Số liệu thống kê cho biết mỗi năm, người Việt hiện khám bệnh trung bình 2,1 lần/năm với số tiền bình quân 129 USD/người (khoảng gần 3 triệu đồng/người), trong đó có tới 37% là tiền thuốc. Với mức chi tiêu này y tế này, Việt Nam đang ở mức thấp trong khu vực Đông-Nam Á. Điều này cho thấy dư địa tăng trưởng của ngành y tế còn rất lớn.
Là ngành kinh doanh khá đặc thù, thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư nhưng sự hiện diện của các bệnh viện trên sàn chứng khoán là khá hiếm. Hiện chỉ có 2 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán là Bệnh viện Tim Tâm Đức (TTD) và Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH). Ngoài ra, Bệnh viện Giao thông vận tải dù đã tiến hành IPO nhưng đến nay vẫn chưa lên sàn chứng khoán.
Bệnh viện niêm yết đầu tiên trên sàn HoSE lãi 50 tỷ đồng nửa đầu năm 2021
Tháng 1/2021 vừa qua, cổ phiếu TNH của CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã chính thức ghi danh là cổ phiếu đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán, vốn điều lệ hiện đạt 415 tỷ đồng, tương đương 41,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành.
Đây được xem là bước đi đột phá của TNH chỉ sau hơn 7 năm đi vào hoạt động hồi tháng 2/2014. Ngược lại dòng thời gian hồi mới thành lập, quy mô khi đó của TNH là 150 giường bệnh cùng vốn điều lệ 28 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2017-2019, doanh thu và lợi nhuận của TNH không có sự chênh lệch đáng kể. Cho đến cuối năm 2019, TNH đã xây dựng và đưa vào hoạt động thêm một bệnh viện thành viên là Bệnh viện đa khoa Yên Bình Thái Nguyên và tăng vốn gần 15 lần lên 415 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, TNH ghi nhận tăng trưởng mạnh 22% trong năm 2020, đây cũng là tiền đề cho kế hoạch đề ra năm 2021 tiếp tục tăng trưởng 2 chữ số.